Ở thành phố, ngày càng có nhiều bé, dù đã học đến lớp 9 vẫn chưa biết cách nấu cơm, nhặt rau… Chúng ta không thể quy kết toàn bộ “tội lỗi” cho chúng, bởi đó là sự chiều chuộng con thái quá của cha mẹ các bé.
Khi được 2 tuổi, bé đã có thể lăng xăng phụ giúp cha mẹ một số công việc lặt vặt hằng ngày như lấy hộp tăm, bao diêm hay chia đũa, lau bát. Các bé ở độ tuổi này rất thích làm việc và luôn tỏ vẻ vui sướng khi được cha mẹ “sai vặt”. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ vì sợ con làm hỏng cái này, vỡ cái kia nên không muốn bé “đụng tay đụng chân” vào những công việc lặt vặt ấy. Vì thế, họ thường hay quát mắng, to tiếng với con khi bé háo hức, hăm hở phụ giúp cha mẹ mình. Cũng vì không được khuyến khích, bé ngày càng tỏ ra sợ sệt, e dè và lười biếng với công việc nhà.
Tất nhiên, vì còn nhỏ tuổi nên các bé có thể… đập vỡ chén bát một cách liên tục, nhưng nếu cha mẹ động viên và dặn bé cẩn thận hơn trong những lần kế tiếp thì bé sẽ rất tự hào và chú ý hơn trong công việc của mình.
Từ nhỏ, các bé thường rất “bám” mẹ ngay cả lúc mẹ đi mua sắm, chợ búa. Đây cũng là cơ hội cho các mẹ chỉ bảo bé cách phân biệt các loại rau, thịt, cá và những thức ăn thông thường.
Ngoài ra, trong lúc mẹ làm cơm, bé cũng có thể nhặt rau giúp mẹ, hoặc lấy cho mẹ con dao, cái muỗng, lọ bột canh mỗi khi mẹ cần. Nếu bé còn quá nhỏ thì có thể quan sát mẹ làm các món ăn hằng ngày, nhưng khi bé đã đi học cấp 1, cha mẹ nên hướng dẫn bé làm một số món ăn đơn giản như luộc rau, rán trứng, rang lạc…
Thế nhưng, lại có một số cha mẹ tạo cho con thói quen ỷ lại ngay từ khi còn nhỏ. Cứ nghĩ con mình còn bé nên họ quá nuông chiều đến nỗi bé trở nên khó bảo, lười biếng. Có bé đang xem ti vi lại “sai” bố mẹ lấy giúp mình cái nọ, cái kia trong khi bố mẹ đang rất bận rộn với công việc nhà. Chiều con, họ vẫn “phục tùng” bé một cách chu đáo. Lâu dần thành quen, nếp nghĩ “cha mẹ là nô lệ” đã ăn sâu trong suy nghĩ của bé. Dần dần, bé lớn lên trong sự lười biếng, ích kỷ, chẳng muốn làm bất cứ việc gì. Thậm chí, bé còn đòi hỏi “tiền thưởng” mỗi khi làm được một việc gì đó, khiến cha mẹ lại phải móc hầu bao chi trả cho đứa con yêu quý. Quá quắt hơn, có vị phụ huynh còn tỏ vẻ phấn khởi khi con mình biết “tính toán” như thế.
Với kiểu yêu chiều con như vậy, các bậc cha mẹ ấy có bao giờ nghĩ đến những hậu quả sau này? Khi trưởng thành, bé sẽ không thể làm tốt bất cứ một công việc đơn giản nào trong gia đình như nấu ăn, giặt giũ… Trong trường hợp giao lưu bạn bè hoặc sinh hoạt tập thể, cắm trại, bé sẽ trở nên lạc lõng trong khi các bạn chia nhau nấu nướng, nhóm bếp… Đến khi phải sống xa gia đình, bé sẽ rất khó khăn trong giai đoạn đầu vì bé đang quen sống trong sự bao bọc của cha mẹ.
Thật ra, tạo cho con niềm hứng thú trong công việc từ khi còn nhỏ là điều rất đáng khuyến khích, các bé sẽ trở nên tự lập và có trách nhiệm hơn khi ý thức được mình cũng là một thành viên trong gia đình, cũng phải làm việc, sinh hoạt như tất cả các thành viên khác, chứ không chỉ vui chơi, nghịch ngợm suốt cả ngày.
Phương Linh