Những chấn thương nhẹ rất thường xảy ra là do bé hiếu động, thích chạy nhảy. Nếu bị quát mắng hoặc cấm cản, bé sẽ tìm cách nói dối quanh và giấu diếm những vết thương.
Sáng nay, con Miu nhà bác hàng xóm... vô ý tứ đến nỗi chẳng chịu cụp bộ móng trong lúc chơi đùa với Tú nên cậu bé bị cào một vết xước khá dài ở chân. Vết xước không sâu lắm nhưng cũng đủ khiến cho cu Tú tím tái mặt mày. Sợ thì sợ, nhưng cu Tú cứ giấu biệt, chẳng hé răng một lời với bố mẹ. Mãi tới khi dì Hằng gặng hỏi vì thấy Tú cứ hành động… lấm lét với bàn chân trái, Tú mới “khai” với dì là chân bị chảy máu do con mèo cào xước.
Dì Hằng ra lệnh “bây giờ con ra sân cùng với dì, rửa chân và làm sạch vết thương với xà phòng trước đi rồi dì sẽ lấy băng thuốc dính lại” thì Tú kêu váng lên: “Không, không, con không rửa chân và xát xà phòng đâu. Con sợ bị đau, sợ xót lắm”. Dì Hằng nghiêm nét mặt: “Sợ phải rửa chân nên con mới giấu và không cho người lớn biết về vết xước của con chứ gì?”. Nghe vậy, Tú càng la toáng lên: “Dì hứa là không nói cho bố mẹ con biết nhé. Bố mà biết, bố mắng con chết. Với lại, sẽ không bao giờ bố cho con chơi đùa với Miu nữa đâu”. Dì Hằng ngạc nhiên: “Có gì mà phải mắng đâu. Vết xước này của con là bình thường, chẳng đến nỗi phải nhăn nhó mặt mày và kêu toáng lên thế kia. Nhưng dù là vết xước nhỏ, con cũng cần phải rửa sạch và xát xà phòng ngay lập tức để vết thương không bị nhiễm trùng. Nếu con cứ cố tình không nghe lời dì, vết thương sẽ càng nặng thêm và phải đi bệnh viện đấy” - dì Hằng giả vờ dọa Tú.
Cuối cùng thì cậu bé cũng nhắm tịt mắt lại, nghiến răng nghiến lợi để dì Hằng dội nước và xát xà phòng vào vết thương. Nhưng thực ra cũng có đau lắm đâu. Thế mà ban đầu, Tú cứ nức nở giống như chuẩn bị phải trải qua một ca phẫu thuật ghê gớm lắm. Dì Hằng vẫn coi vết xước của Tú là điều bình thường và dặn Tú là không nên quá căng thẳng như vậy. Đàn ông con trai lại càng cần phải dũng cảm.
Sáng hôm sau, bố cu Tú phàn nàn: “Dì Hằng có biết không, thằng Tú bị một vết gì đó ở chân, hỏi mãi thì cậu chàng mới nói là va vào hòn đá trong lúc đi bộ từ trường về nhà. Nhưng anh nhìn thì chẳng phải thế, chắc là cu cậu nói dối đây”. Dì Hằng chưa kịp đính chính thì bố cu Tú lại tiếp tục: “Lúc mẹ nó vừa phát hiện ra là y như rằng sốt sắng chạy ra hiệu thuốc mua ngay bông băng, cồn để băng lại cho thằng bé, lại còn lo lắng tới nỗi gọi điện đến cơ quan xin nghỉ việc và bắt anh phải tới lớp xin phép nghỉ học cho thằng Tú nữa”. Dì Hằng ngạc nhiên: “Vết xước ở chân đúng không hả anh? Là do hôm qua, Tú chơi đùa với con mèo nhà bên cạnh nên bị nó cào xước đấy. Chắc là sợ bố mẹ không cho phép chơi với con mèo nữa, nên cậu ta phải tính cách nói dối đấy mà”.
Thực ra, những chấn thương nhẹ rất thường xảy ra là do bé hiếu động, thích chạy nhảy. Bố thường quát mắng bé hoặc cấm con lần sau không được chơi dại như thế. Bé sẽ sợ và không dám cho bạn thấy vết thương của mình (dù là nhẹ). Vì vậy, ngoài việc chỉ bảo cho con cách phòng tránh một số tai nạn thương tích thường gặp, bạn còn phải dạy cho bé những kĩ năng sơ cứu vết thương như rửa sạch, xát trùng bằng xà phòng và cách sử dụng miếng gạc y tế. Khi có những kĩ năng này, bé sẽ linh hoạt hơn trong cách phòng tránh cho mình những biến chứng từ vết thương nhỏ hoặc có thể tự xoay xở khi không có người lớn ở bên.
Để bé đừng nói dối và không giấu diếm những vết thương, bạn không nên la mắng hoặc trách cứ bé. Dù sao mọi chuyện cũng đã xảy rồi và những chấn thương nhẹ như trường hợp của bé Tú là điều dễ xảy ra với bé hiếu động, nghịch ngợm. Muốn giúp con không nghịch dại, sau mỗi chấn thương, bạn cần bảo ban bé nhẹ nhàng, chỉ cho bé thấy vết thương của mình và dặn con phải cẩn thận để tránh xảy ra thương tích đó. Chính sự quan tâm, lo lắng thái quá như mẹ cu Tú sẽ làm cậu bé trở nên yếu đuối hơn và thích làm nũng người lớn. Với những vết thương nhẹ, bạn cần động viên bé dũng cảm và không nên quá sợ sệt. Thái độ và cách ứng xử của bé trước những tai nạn như thế cũng phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ.
Trang Lê