Tết đến, người lớn thường lì xì cho bé, gọi là lộc đầu Xuân với ý nghĩa chúc bé năm mới khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn. Đó là một truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng, hiện nay không ít cha mẹ đã “lợi dụng” phong tục ấy, biến tiền lì xì thành vật chất, biến bé thành kẻ "xin” lì xì trong ngày Tết.
Ảnh minh họa.
Tết chưa đến mà chị Trinh, kế toán viên bệnh viện đã oang oang với vẻ hồ hởi, kể cho các đồng nghiệp nghe về cuộc “ngã giá” với con gái tên Trang, 5 tuổi: “Tết này nếu con có nhiều tiền lì xì, mẹ sẽ mua cho sợi dây chuyền vàng thật to, thật đẹp”. Chị Thanh, đồng nghiệp của chị Trinh kể: từ hồi mới biết đi chập chững, chị Trinh đã biến bé Trang thành “công cụ” kiếm tiền lì xì. Cứ vào ngày đầu tiên đi làm sau Tết, chị đưa bé Trang đến và bảo “ạ đi con rồi cô/chú lì xì cho”. Bé lớn lên một chút, biết nói thì không chờ mẹ dắt đến từng người, bé tự đến “đòi”: “Cô/chú lì xì cho con đi!”. Cứ thế, sang công ty bố, mọi người chưa kịp gọi, bé đã nhanh nhẩu đến khoanh tay chúc Tết “đòi” lì xì, dù đã hết Tết. Bé mới 5 tuổi có biết xài tiền đâu, nhận xong là chạy ngay lại đưa cho mẹ. Chị Trinh khoe, năm nào tiền lì xì của bé Trang cũng không dưới 5 triệu đồng!
Chị Thanh nói, mọi người trong phòng ai cũng khó chịu, không phải vì tiếc tiền, mà là có cảm giác như việc lì xì đó là trách nhiệm bắt buộc phải làm. Chẳng lẽ cũng mang con mình đến để kiếm lại tiền lì xì?
Bé Tân, 4,5 tuổi thì “làm ăn” khấm khá hơn vì bố là thương gia nên có nhiều bạn bè và đối tác muốn nhờ cậy. Bao lì xì của bé không khi nào dưới 200,000 ngàn. Chị Diễm, mẹ bé Tân tuy cuộc sống khá giả nhưng thấy “món hời” trước mắt “dại gì không hưởng”? Thế là 3 năm nay, Tết đến là… mẹ bé Tân có bộn tiền lì xì. Tết năm trước, mẹ đã “huấn luyện” bé “công nghệ” xin tiền lì xì. Cứ có khách đến nhà, chị bảo bé ra khoanh tay chào khách, nếu khách lì xì liền thì vào trong, còn nếu chưa thì cứ lẩn quẩn ở đó chơi để “nhắc” khách. Nhiều lúc bố bé cũng ngại, bảo con vào trong chơi để bố tiếp khách, nhưng hễ bé đi vào lại bị mẹ đẩy ra đến khi nào có được tiền lì xì thì thôi.
Ngày Tết, trẻ em rất thích được mặc quần áo đẹp và nhận lì xì, nhưng không phải vì bé biết giá trị của đồng tiền – vật chất mà đơn giản là bé thích nhận được sự quan tâm, sự yêu thương từ người khác, việc này cũng giống như bé nhận viên kẹo, cái bánh…
Ảnh minh họa.
Bởi thế mới có trường hợp dở khóc dở cười của bé Linh. Tết năm ngoái, bé bị mẹ đét đít vì không có được đồng lì xì nào. Bố đi chúc Tết là chở bé theo để kiếm tiền lì xì và lấy lại “vốn” mà bố mẹ đã chi. Nhưng rồi bé đem tiền được lì xì cho bạn hoặc vứt ở đâu đó vì vướng tay, hoặc đổi tiền lấy đồ chơi bé thích. Năm nay, để “phòng xa”, mẹ bé đã mua cho bé những bộ đầm có túi và dặn thật kỹ, khi nhận tiền xong phải bỏ ngay vào túi, không được cho bạn bè, nếu không mẹ sẽ phạt!
Bé chưa biết xài tiền mà cha mẹ đã tạo cho bé thói quen “kiếm” tiền và cho bé biết giá trị của đồng tiền sớm là một điều rất không nên. Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, việc này sẽ khiến bé sớm trở thành người vị vật chất, ích kỷ, xem trọng đồng tiền và có thể làm bất cứ điều gì để có tiền, thậm chí làm điều sai trái. Kiếm tiền từ tiền lì xì càng không nên vì bé sẽ hiểu sai lệch phong tục tốt đẹp của dân tộc. Hãy để bé trong sáng và nhận được giá trị “lộc” thực sự của tiền lì xì. Người lớn chính là yếu tố quyết định, chỉ cần tờ tiền nhỏ, mới là đã mang đầy đủ ý nghĩa, đừng vì tư lợi mà gây ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ.
Thanh Nhi