Yêu thương con không có nghĩa là nuông chiều con quá mức. Thực tế cho thấy càng được nuông chiều, bé càng hay có những đòi hỏi vô lý.
“Ông vua”, “bà tướng” trong nhà
Chị bạn tôi lần nào gặp cũng than thở chuyện cu Bi - cậu con trai "quý tử" vừa đến tuổi đi học mẫu giáo. Ngay từ lúc mới bi bô tập nói, bé đã thể hiện tính ngang bướng: khi nào cu cậu đòi ăn phải chiều ngay lập tức, nhiều đêm vùng dậy bắt mẹ đi mua đồ ăn, nếu bố mẹ không đồng ý hay mắng mỏ vài câu là vùng vằng, la hét, khiến cả nhà mất ngủ. Ông bà nội thì suốt ngày lặp đi lặp lại điệp khúc: “Còn nhỏ, đứa nào chẳng thế, chiều một tí có sao đâu, lớn lên nó sẽ khác”.
Nhưng càng ngày, thằng cháu đích tôn của ông bà càng được thể lấn tới. Cu cậu mang theo cả những đòi hỏi và thói quen hằng ngày đến lớp, bắt cô giáo phải thực hiện. Thấy các bạn có đồ chơi mới cũng đòi cho bằng được.
Không hiểu “ông tướng” con này khi lớn sẽ làm tới chức vụ gì, để có thể sai khiến mọi người làm theo ý mình?
Tìm cách đối phó
Mọi người trong gia đình phải thống nhất cách nuôi dạy bé. Chỉ cần một người đứng về phía bé, chiều theo ý bé thì mọi lời răn đe, dạy bảo đều trở nên vô nghĩa. Bởi khi ấy, bé tìm được chỗ dựa, tin chắc có người che chở, bảo vệ mình. Bé vẫn ngang ngược, "lộng hành". Lâu ngày, bé sẽ coi sự nghiêm khắc của người lớn là trò đùa, chẳng có gì phải sợ sệt, lo lắng.
Ai cũng muốn chiều con, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó. Ngay chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đã không được lơ là, chiều chuộng quá mức. Bởi từ những điều nhỏ nhặt ấy sẽ hình thành cho bé một thói quen xấu, thích gì được nấy. Trong khi có những việc mà cả ông bà, bố mẹ đều không nên làm theo ý muốn của bé. Cần đưa ra những quy định về giờ giấc, nề nếp sinh hoạt chung và buộc mọi người phải thực hiện. Có thể mới đầu, bé cảm thấy khó chịu, cố ý không tuân thủ. Đừng nên tranh cãi nhiều, hãy nhắc lại những quy định chung của gia đình cho bé nhớ. Dần dần, bé nhận ra yêu cầu của mình không còn trọng lượng nữa và đương nhiên, bé phải nghe lời người có quyền thực sự trong gia đình. Những lúc bé giận dỗi, khóc lóc, hãy cố ý làm ngơ, không dỗ dành, thương xót. Sau một vài lần, mọi chuyện sẽ thay đổi. Bạn sẽ thấy những dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, nghiêm khắc không có nghĩa là cấm tuyệt đối. Thỉnh thoảng nên cho phép bé trái luật lệ một chút và nhất định phải kèm theo điều kiện nào đó. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng bố mẹ rất thương yêu, quan tâm đến bé, nhưng không phải bé có thể tự do muốn làm gì thì làm, muốn sai khiến ai cũng được.
Thế mới biết muốn nuông chiều con phải học cách yêu thương đúng mực.
Tiêu Tường