Bé bị bạn bắt nạt thường phải chịu rất nhiều hậu quả. Bé sẽ sống thu mình, sợ trường lớp, sợ giao tiếp. Đối với những bé liên tiếp là nạn nhân, sự sợ hãi, lo lắng sẽ làm bé suy nhược cơ thể, và khiến cho bé nhút nhát.
Những bé có tính hay bắt nạt bạn bè thường có các yếu tố gia đình như: ở nhà bé hay bị “nếm mùi” bạo lực hoặc bị mọi người trong gia đình bỏ bê, cha mẹ ít giám sát, quan tâm. Bé thường xuyên bị người trong gia đình chế giễu, la mắng... Khi đó, các bé coi bắt nạt người khác như một cách để thể hiện bản thân, để được quan tâm, để ý.
Xử sự khi con bị bạn bắt nạt đòi hỏi cha mẹ phải khéo léo và kiên nhẫn. Tất nhiên, cần phải trao đổi với giáo viên để các cô uốn nắn những bé chuyên bắt nạt bạn, nhưng cũng cần phải dạy con đương đầu với tình huống này vì đây là chuyện sẽ ảnh hưởng đến tính cách và sự tự tin của bé:
- Dạy bé đứng thẳng người và nhìn thẳng vào mắt của kẻ bắt nạt. Ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng. Vóc dáng tự tin, tích cực sẽ làm những kẻ “chuyên bắt nạt”... ngán.
- Kẻ bắt nạt thường thích “con mồi” dễ. Vì thế, nói cho bé biết khi bé bị bắt nạt lần đầu, hãy phản ứng thật mạnh mẽ (nhưng không được bắt nạt lại), hãy mách với cô giáo và cha mẹ.
- Đọc cho bé nghe nhiều truyện mang tính truyền cảm hứng. Chia sẻ thời gian này với bé, chỉ ra sức mạnh của nhân vật và tính kiên nhẫn có thể đạt được những kết quả tích cực mà không cần phải sử dụng đến bạo lực hoặc quyền lực.
- Dạy cho bé biết tha thứ: nếu bạn đó lại muốn chơi cùng con, con hãy cho bạn chơi và nói là “cậu đừng cắn mình nữa nhé, cắn là xấu lắm đó”.
Tình bạn là yếu tố rất quan trọng. Nếu bé gặp khó khăn khi kết bạn hoặc duy trì tình bạn, cha mẹ hãy can thiệp và giúp đỡ. Tình bạn là một pháo đài bảo vệ con bạn khỏi kẻ bắt nạt. Hãy quan sát và phân biệt những bé nào có thể kết bạn với bé và sắp xếp cho chúng có điều kiện chơi đùa cùng nhau. Khuyến khích bé tham gia vào các hoạt động xây dựng sự mạnh mẽ và tự tin.
An Kỳ