Bé vào lớp 1, có nghĩa là bé đã từng lớn lên ở trường mầm non, từng rời xa vòng tay mẹ. Thế nhưng, tại sao bé vẫn khóc?
Bạn hay trách móc, phàn nàn mà chưa kịp nhớ rằng: Lớp 1, với bé, đó là một môi trường mới mẻ và đầy thử thách! Bé 6 tuổi, lứa tuổi rất dễ xúc cảm và khả năng kiểm soát cảm xúc chưa cao. Tình cảm của con trong thời kì này rất mỏng manh, chưa bền vững, sâu sắc. Đặc biệt, con vào lớp 1, nỗi sợ hãi dễ dàng được bộc lộ bằng cách khóc nhè vì phải đối mặt với bạn bè mới, thầy cô, môi trường khác lạ! Bằng từng việc làm cụ thể, hãy để bé hiểu rằng: việc vào lớp 1 là một việc rất trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt - chứng tỏ bé đã là người lớn, đã trưởng thành.
Giáo dục tình cảm cho bé cần phải đi từ những hình ảnh trực quan, sinh động. Vì thế, trước ngày nhập học, bạn nên cho bé xem phim về hình ảnh trường lớp, sinh hoạt, học tập trong trường để bé không có cảm giác bối rối với hiện thực ngày đầu tiên đến trường. Nếu có thể, hãy cùng bé thực hiện 1 chuyến tham quan đến ngôi trường tương lai của bé.
Hoạt động chủ đạo của các bé mẫu giáo là chơi, trong khi ở tiểu học là học. Các hoạt động tại nhà của bé cũng cần được sắp xếp lại theo chế độ hợp lý để bé không chơi quá nhiều hoặc học quá sức. Nếu bỏ qua điều này và cho bé giữ nguyên nhịp sinh hoạt cũ, có thể sẽ dẫn đến sự hoang mang và quá tải cho bé khi đến trường. Lúc này, khóc lóc sẽ đến như một điều tất yếu để giúp bé “kháng cự” việc đến trường.
Ở giai đoạn đầu tiểu học, chú ý có chủ định của bé còn rất hạn chế, vì thế, bé bị ảnh hưởng bởi những điều kiện, kích thích bên ngoài. Do đó, bạn cần giúp bé tập trung học tập bằng việc sắp xếp không gian hợp lý. Song song đó, bạn có thể cho bé sử dụng các đồ dùng học tập nhiều màu sắc, hỗ trợ trực quan cao để thu hút bé. Khi việc học thỏa mãn được hứng thú của bé thì niềm vui trong học tập sẽ được hình thành. Bé vì thế mà sẽ dễ “quên” chuyện khóc nhè đi!
Bạn cần chú ý đến việc trò chuyện cùng bé nhiều hơn. Có quá nhiều điều mới lạ chờ đón bé ở ngôi trường mới, nên bé chắc chắn sẽ có nhiều thắc mắc. Thậm chí là những khó khăn khi giao tiếp với bạn mới, cô mới, làm quen với hoạt động học tập mới cứ chất chồng đến với bé. Hãy đặt mình vào vị trí của bé để cảm thông và hướng dẫn bé cần làm gì trong từng trường hợp cụ thể mà bé “than vãn”.
Cuối cùng, hãy nhẫn nại để giải thích cho bé hiểu rằng: Vì sao con cần phải đến trường – vì đó là cách tốt nhất để con có thể thực hiện ước mơ của mình; dù muốn trở thành ai trong cuộc sống, thì trường học cũng luôn là nơi tốt nhất giúp chúng ta hoàn thành điều đó!
ThS.Tô Nhi A
Giảng viên Trường CĐSP Trung ương TP.HCM