Toán học là một cánh cổng kỳ diệu để vào đời và cho bé rất nhiều khả năng thành công trong cuộc sống. Khả năng giải quyết các vấn đề lô-gic luôn cần thiết trong mọi tình huống. Do đó, cha mẹ cần tạo cơ hội cho bé tiếp cận với các biểu tượng toán cơ bản ngay từ lúc nhỏ.
Các bé rất thích nói về tuổi, số nhà, số điện thoại của cha mẹ mình. Trong giờ chơi, bé có thể ngay lập tức biết rằng bạn nào có số đồ chơi nhiều hơn hoặc ít hơn mình… Cha mẹ có thể sử dụng những điều này để dạy bé làm quen với các biểu tượng toán.
Mặc dù không thể giúp bé biết tất cả mọi điều cùng lúc, nhưng khi cha mẹ cho bé chơi với đồ chơi, thậm chí là với các loại thực phẩm khác nhau, bé cũng đã tiếp cận dần với thế giới lô-gic. Hãy cùng chơi với bé và cho chúng nhận thức về các con số. Bé sẽ cảm thấy mình thật sự có khả năng và ngày càng tự tin hơn.
Bé thường khó tập trung chú ý lâu vào một vấn đề nào đó, nhưng lại rất thích chơi với các loại đồ chơi, thức ăn mà bé có. Hãy cho bé chơi với một số mẩu bánh, kẹo, thức ăn và đồ chơi mà bé thích. Thời gian học với giấy và bút chỉ nên diễn ra khoảng 5 - 10 phút mỗi ngày.
Việc học của bé sẽ diễn ra rất chậm thông qua các trò chơi đơn giản. Mỗi lần chỉ cho bé làm quen với một con số. Khi giải thích cho bé nghe về hình dạng, số lượng, hãy lấy ví dụ thật cụ thể. Chẳng hạn: lấy 3 cái bánh hình tròn xếp vào đĩa, 4 cái khăn ăn gấp thành hình tam giác đặt vào ly…
Sau khi dạy bé làm quen với số lượng từ 1 - 5, có thể cho bé làm quen với các loại tiền xu, hướng dẫn bé thực hiện việc gộp và tách trên các đồng xu. Hãy cho bé ăn kẹo, nếu chúng muốn thấy số kẹo vơi đi. Sau khi học số lượng 6, hãy cho bé đếm và chơi với các khối gỗ. Sau khi học số lượng 7, nên cho bé học về số ngày và tên gọi của các ngày trong tuần…
Sau khi học số lượng từ 8 - 10, nên cho bé học đo một đường thẳng có chiều dài bằng 10 lần thước đo. Đề nghị bé chỉ ra theo yêu cầu các chữ số cần thiết có trên những tờ lịch, điện thoại, máy tính, đồng hồ. Hãy cho bé làm quen với đồng hồ và chỉ cho bé cách xem giờ.
Có thể thấy, những trò chơi với những vật dụng quen thuộc hằng ngày như thức ăn, đồ chơi có thể giúp bé làm quen với những kiến thức và kỹ năng quan trọng một cách thật nhẹ nhàng, tạo sự khởi đầu thuận lợi cho việc học của bé sau này ở phổ thông.
ThS Lê Thị Thanh Nga
Phó Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường CĐSPTƯ TP.HCM