Kỹ năng hội hoạ của bé nếu sớm được phát hiện và bồi dưỡng phù hợp, sẽ có nhiều khả năng bé trở thành họa sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư hoặc một người có khả năng cảm thụ nghệ thuật hội họa tốt. Bạn hãy quan sát và nhận biết xem bé có bộc lộ những năng khiếu hội họa không nhé!
Trẻ dưới 1,5 tuổi: Những vận động đầu tiên của bé có thể chỉ là những nét gạch xóa, bé không nhận thấy bút chì để lại dấu tích trên giấy, nhưng bé bị lôi cuốn bởi những âm thanh, tiếng gõ của bút chì, bé cảm thấy hài lòng khi được gõ bút và làm nhàu giấy. Lúc nào bé cũng muốn cầm cây bút trong tay và có khi bé cho cả cây bút, giấy vẽ vào miệng.
Bé 1,5 - 2 tuổi: Bé vẽ được những nét ngắn, bé thường vẽ vào một góc của tờ giấy. Các nhân vật bé vẽ thường mờ nhạt, kích thước rất nhỏ, bé tô chưa chính xác vào những nhân vật mà tô cả tờ giấy bằng những nét ngoằn ngoèo. Bé sau 2 tuổi thích bôi vẽ tự do và thích nói liên tục, nói một mình, đây là giai đoạn mầm mống vẽ theo trí nhớ của bé.
Bé 3 - 4 tuổi: Bé vẽ được các nét dài hơn, bé thường quan tâm đến việc vẽ cái gì chứ không phải là vẽ như thế nào. Bé thường cầm bút và vẽ liên tục. Những nét vẽ của bé chưa rõ ràng nhưng bé diễn đạt ra nội dung trong bức vẽ rất nhiều. Kích thước các đối tượng vẽ của bé đã to hơn và đôi khi không cân xứng với mặt giấy. Màu sắc bé chọn thường rực rỡ: đỏ, vàng, xanh.
Bé 4 - 7 tuổi: Đã có thể đặt tên cho tranh bôi vẽ của bé. Quá trình phát triển khả năng về hội hoạ của bé sẽ từ những nét bôi vẽ không có hình tượng gì đến giai đoạn sơ bộ nắm được vật thể của thế giới xung quanh. Tuy các “tác phẩm” của bé có khác xa với hình ảnh thật, bản vẽ lại không tập trung, không có bố cục nhưng đó chính là sự khởi đầu của sáng tạo.
Bé có năng khiếu hội hoạ thường bộc lộ ra ngoài rất rõ nét. Bé thường xuyên vẽ lại những gì mà bé thấy, bé thích và những gì gây ấn tượng với bé. Bé vẽ ba, mẹ và bé đi chơi công viên. Bé sẽ vào gian hàng bán thật nhiều đồ chơi (khi được mẹ dẫn đi chợ), bé vẽ khu rừng dành riêng cho khủng long khi được cha mẹ đưa đi xem bộ phim “công viên khủng long”.
Bé có khuynh hướng thiên về cái đẹp, bé chú ý đến sự thay đổi của bố mẹ và có ý kiến về điều đó. Ví dụ, cha mẹ thường nghe bé khen hay chê như: mẹ có kẹp tóc đẹp quá, con thích mẹ mặc áo màu xanh hơn.
Bé thường dùng nét vẽ của mình như một bản trao đổi ngầm giữa bé và cha mẹ. Bé thường thích dùng màu sắc tươi đẹp thể hiện hình tượng đẹp, những nhân vật bé yêu thích. Bé dùng màu xám, nâu cho những nhân vật bé không thích, bé vẽ xấu, không trau chuốt.
Nhận ra được những năng khiếu bẩm sinh của bé, cha mẹ có thể nuôi dưỡng, tạo điều kiện, môi trường để phát huy những năng khiếu ấy thành những tài năng thực thụ.
TS Tâm lý học Trần Thị Quốc Minh
Phó hiệu trưởng trường CĐSPMGTW 3