Chị Lan, phóng viên một tạp chí lớn ở Hà Nội kể: “Vợ chồng tôi thường khen con thông minh, đẹp trai và ngoan nhất nhà. Mỗi lần bé làm được điều gì đó là chúng tôi lại khen bé hết lời. Cho đến một ngày, đón con ở lớp về, bé hớn hở khoe: “Lớp con, các bạn ấy dốt lắm, chỉ có con là giỏi thôi!”. Tôi giật mình, những lời khen tưởng như khuyến khích con giờ đã biến bé thành một người tự kiêu rồi !”.
Ảnh minh họa.
Không riêng gì chị Lan, nhiều cha mẹ thường khen con, dạy con như vậy. Nếu bạn cứ nói con mình “xuất sắc”, “thông minh”, “thần đồng” thì bé cứ tưởng thật và bé sẽ phát triển một “cái tôi” rất xấu, trở nên kiêu căng, tự kiêu và ảo tưởng, từ đó khó hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Đối với bé, những bạn khác “chẳng là gì”, thậm chí, bé không còn muốn chia sẻ sự đồng cảm hay tình thương với người khác. Những bé kiêu căng, thiếu khiêm tốn cứ tưởng mình giỏi hơn hết tất cả mọi người. Và vì không biết được khả năng thực tế của mình, bé cứ tưởng việc gì cũng làm được, làm giỏi hơn mọi người nên khi gặp trở ngại, bé dễ nản lòng, nhụt chí.
Vì thế, bạn cần dạy con biết giới hạn của mình và chấp nhận, tán thưởng các thành tích của bạn bè. Bé sẽ biết giá trị của tình đồng đội và kết bạn dễ dàng. TS tâm lý Robin Goodman ở New York (Mỹ) cho biết: “Bé nào biết chính xác mức độ tài ba của mình sẽ vượt qua các khó khăn mà bé gặp trong trường và sau này trong cuộc đời một cách dễ dàng”.
Khi bé mới 2, 3 tuổi, tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận ra bản chất riêng biệt của cá nhân, nên những lời khen của cha mẹ ít có tác dụng “làm hư hỏng” chúng sau này. Nhưng các nhà tâm lý cũng khuyên các bà mẹ: “Nếu bạn muốn khen cậu bé 3 tuổi của mình chuyện gì thì phải khen cho chính xác”. Có nghĩa là chúng ta nên tập trung khen cố gắng của con cái, chứ không phải thành quả bé đạt được và nên tránh những kiểu “nói chung chung” như “Con trai của mẹ ngoan quá!”. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Tòa nhà giấy sụp đổ, con không chịu thua mà cố gắng xếp lại, sự cố gắng này rất đáng khen đấy”. Thông thường, khi nghe như thế bé sẽ hiểu chính xác mình đã “đáng khen” ở chỗ nào. Đặc biệt, cần tránh “tâng bốc” con với người khác trước mặt bé, điều này càng khiến bé trở nên kiêu căng hơn.
Ảnh minh họa.
Khi bắt đầu 5 tuổi, bé tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn thì “tính ganh tị về vật chất” cũng có thể nảy nở. Vì thế, tốt nhất là tìm dịp nào cho con thấy cái bé đang có là may mắn so với nhiều bé bất hạnh khác. Tập cho bé công tác từ thiện ngay từ tuổi này cũng có tác dụng tốt. Đồng thời, bạn hãy cẩn thận với ngôn ngữ của mình trước mặt bé. Nếu bạn nói là “có cái tivi màn hình phẳng thì thích hơn cái tivi cũ mèm này nhỉ” thì con bạn sẽ đinh ninh mẹ mình vừa nói ra “một chân lý” và bé cứ tưởng mua đồ mới thì bỏ đồ cũ là chuyện… đương nhiên, và ý thích vật chất sẽ được nhen nhóm theo thời gian.
Nếu bạn bắt gặp bé nói: “Bạn Hoa dở lắm, học tiếng Anh cứ điểm kém hoài, con được 3 điểm 10 rồi đó”, bạn nên trả lời: “Bạn ấy đang cố gắng mà, con đừng quên Hoa giỏi toán hơn con đấy!”
Đừng tập cho bé “ăn thua về điểm và thành tích” so với bạn bè. Hãy hướng bé học hỏi một môn năng khiếu nào đó để bé phát triển toàn bộ và cân bằng hơn, như các lớp học nhạc, vẽ, võ…
Một trong các bài học lớn của tính khiêm tốn là làm sao biết giới hạn của mình. Nếu bé thất bại, đừng an ủi theo kiểu “con như thế là giỏi rồi”, mà hãy để bé suy nghiệm ra các bài học của thất bại đó cho bản thân. Nhưng nếu bé thật sự giỏi về một mặt nào đó, bạn không nên khen bé mù quáng, mà tìm cách nhẹ nhàng cho bé hiểu có người khác giỏi hơn và bé nên cố gắng tiếp!
Đối với những bé có năng khiếu thật sự, bạn cũng cần cẩn thận với những lời khen của mình. PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Bạn không nên gieo vào đầu bé tư tưởng “con thông minh, con giỏi lắm” mà hãy cẩn trọng khi khen bé. Phải chú ý đến cách ứng xử, khen chê chừng mực, khéo léo trong việc đánh giá, công nhận điều này hay điều kia. Bạn phải biết tiết chế sự kỳ vọng của mình đối với bé, cần quan tâm sự phát triển của bé một cách hài hòa.”
Hoàng Lân