Một hồi chuông hối hả vang lên, Hiếu vội vàng ra mở cửa. Hoàng chạy ào vào như một cơn lốc. Không chào ai cả, Hoàng đã huyên thuyên kể hết chuyện này sang chuyện khác, cười nói hể hả một lúc, đảo một vòng quanh nhà rồi ra về.
Không cần biết mọi người có hài lòng với sự xuất hiện của mình hay không, Hoàng “biến mất” bất ngờ cũng như khi đến. Hiếu không kịp hiểu ra chuyện gì, chỉ thấy hơi khó chịu về sự đường đột của bạn. Và đặc biệt, Hiếu thấy rất khó xử với bố. Bố luôn muốn Hiếu có nhiều bạn và sẵn sàng đón tiếp bạn bè của con, nhưng nếu gặp những “khách” tự nhiên như Hoàng vừa rồi, bố cũng thấy thất vọng.
Làm khách không đơn giản như trẻ con vẫn nghĩ!
Làm khách là phải được sự đồng ý của chủ nhà, có thể gọi điện hoặc hẹn trước. Nếu không kịp báo trước thì khi bấm chuông phải thận trọng, tránh những giờ có thể làm phiền người khác như giờ ăn, giờ nghỉ trưa hoặc đã quá khuya. Khi đến, ta chỉ bấm chuông một lần và kiên nhẫn chờ chủ nhà. Khách cần tránh tình trạng bấm chuông liên tục hoặc đập cửa ầm ầm khiến chủ nhà hốt hoảng. Nếu không tế nhị, sự viếng thăm của ta sẽ làm chủ nhà khó chịu vì bị động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và sự riêng tư.
Dù ta đến làm khách của một người, nhưng cần nên tôn trọng những thành viên khác trong gia đình. Ngoài việc chào hỏi lễ phép và giới thiệu về mình, người làm khách không nên bắt chuyện ngay khi mọi người chưa hiểu về sự xuất hiện của mình, không cười nói ồn ào, không sờ mó vào các đồ vật trong nhà như tự lấy sách trên kệ, mở tivi, lấy đồ chơi hay ngó vào màn hình máy tính. Nếu muốn điều gì, khách cần phải ý tứ và xin phép chủ nhà.
Khách cũng chỉ nên trả lời những câu hỏi liên quan đến mình, không nghe lén chuyện của người khác và không “nói leo’ mất lịch sự. Khách cũng không nên kể lể “chuyện trên trời dưới bể”, không khoe khoang hay kể buồn kể khổ làm người trong nhà thấy khó xử. Vì như thế câu chuyện của mình có thể không được mọi người quan tâm, trở nên vô duyên, nhạt nhẽo.
Nụ cười sẽ gây cho chủ nhà một cảm giác thân thiện và dễ dàng làm quen. Khi đến làm khách, ta nên giữ gương mặt, nụ cười tươi vui. Tuy nhiên, nhớ đừng cười quá to, chuyện trò quá bỗ bã, khiến chủ nhà thấy sự “bằng vai phải lứa”. Nhưng cũng không nên quá nghiêm nghị, căng thẳng và bộ mặt buồn rầu. Khách phải mang đến cho chủ nhà một cảm giác vui vẻ và chờ đợi thì lần sau chủ nhà mới sẵn sàng đón tiếp.
Khi ngồi nói chuyện với chủ nhà, cho dù đã thân quen đến mấy, người làm khách cũng nên tỏ thái độ chân thành. Ánh mắt nhìn trìu mến và dễ gần, không lấc láo, ngó ngang, liếc dọc; không nên xoi mói, dò xét, xăm xoi vào người đối diện. Như thế, khách và chủ nhà sẽ dễ chuyện trò hơn. Đến làm khách, dù lạ hay quen, ta nên chọn bộ đồ sao cho phù hợp. Đừng quá cẩu thả, cáu bẩn hay quá hở hang. Sự sạch sẽ, tinh tươm sẽ làm cho chủ nhà thấy mình được tôn trọng. Ngoài ra, ta cũng nên biết cảm ơn khi được chủ nhà có thiện chí chăm sóc như mời nước, trái cây hay bánh kẹo. Đừng từ chối thẳng thừng khi món mời không hợp với khẩu vị của mình. Hãy đón nhận sự hiếu khách bằng thái độ chân thành. Nếu muốn từ chối thưởng thức một món nào đó, ta phải nhẹ nhàng và tế nhị để chủ nhà khỏi thấy áy náy khi không “biết tính” khách đến nhà.
Cuối cùng, khách không được phê bình, nhận xét, chê bai chủ nhà hay người khác khi trò chuyện với chủ nhà, nhưng cũng không nên xum xoe, nịnh nọt quá. Khen đúng mực và phù hợp với hoàn cảnh sẽ làm cho chủ nhà thấy sự chân thành và gần gũi hơn.
Bây giờ, Hiếu đã hiểu rồi, làm khách “được lòng chủ nhà” cũng khó đấy. Nhưng chỉ cần biết ý là có thể trở thành khách quý của mọi người. Nếu “lỡ may” mà làm “khách không mời”, thì cũng có nhiều cơ hội để trở thành khách quý.
Minh Huệ