Cậu con trai 11 tuổi của tôi làu bàu: “Nếu cho con chọn ở với ai thì con sẽ chọn sang nhà dì Mai. Thằng Bin sướng, dì Mai toàn khen nó, chứ không như mẹ, suốt ngày chê con đủ thứ”.
Tôi vội vàng “đánh trả”: “Mẹ chê là để cho con tiến bộ, chứ khen con thì con lại “tưởng bở” rồi chảnh thì sao?”.
Lời qua tiếng lại một lúc, kết quả là thằng bé bỏ vào phòng và đóng kín cửa. Còn tôi thì tức giận không để đâu cho hết. Nó bảo tôi không công bằng, còn tôi thì nghĩ nó là một đứa bé bướng bỉnh và hỗn láo.
Đang bực tức, tôi vớ vội cái điều khiển, bật ti vi lên xem cho “hạ hỏa”. Thật tình cờ, ti vi đang phát một chương trình nói về kỹ năng làm cha mẹ. Những bé được phỏng vấn trong chương trình đều có chung một suy nghĩ rằng bố mẹ thương con, chăm sóc, lo lắng cho con, nhưng bố mẹ không hiểu chúng. Tại sao lại không hiểu nhỉ, bố mẹ sinh ra con, nuôi nấng hằng ngày, tính khí con thế nào, bố mẹ phải biết hết chứ? Vậy mà, đôi lúc, chúng lại có những thái độ khó chịu đến bất ngờ, lại còn bày đặt làm khó người khác. Chuyện con tôi đó, thì có gì đâu mà nó dám “gân cổ” cãi lại mẹ chỉ vì chuyện khen chê của nhà hàng xóm?
Với những lời phân tích của chuyên viên tư vấn tâm lý trong chương trình, tôi bắt đầu cảm thấy những lời chia sẻ của các bé cũng có lý. Tôi luôn sợ con mình biết bố mẹ yêu thương thì nó sẽ “làm già” nên ít khi nói lời ngọt ngào với con. Tôi sợ tính kiêu ngạo có thể làm hư một đứa bé nên tôi không mấy khi khen ngợi con. Nhiều khi, con tôi được điểm cao, về khoe với mẹ nhưng tôi cố gạt đi: “Chỉ có mỗi việc ăn với học, đó là chuyện bình thường!”. Thằng bé nhiều khi tiu nghỉu, lẩm bẩm: “Mẹ suốt ngày làm con cụt hứng!”. Có hôm đi bơi về, nó vui vẻ khoe: “Hôm nay, con đã lấy hết dũng cảm và nhảy từ trên bờ xuống, giống như anh Khoa đấy mẹ ạ!”. Tôi thờ ơ: “Con trai nhảy thế là chuyện thường, không làm được mới lạ!”. Tôi nói thế là để con biết rằng nó là con trai, cần phải dũng cảm và không được bằng lòng với những gì mình đạt được.
Tôi bắt đầu suy nghĩ về những “chiến lược” giao tiếp với con, tự nhiên thấy mình vô lý quá! Mình cũng muốn được mọi người khen, được mọi người góp ý. Nhưng nếu ai góp ý mà thiếu “tế nhị” là mình cũng tự ái, cũng thấy khó chịu và buồn. Trong khi mình thì lại quên khen ngợi, động viên con. Đôi khi tiết kiệm lời khen quá sẽ khiến con thấy tủi thân và lạc lõng. Nhưng suốt ngày khen con như mẹ cu Bin thì cũng không được. Vì nếu chỉ thấy mình là nhất, là hoàn hảo thì bé sẽ tự cao, tự đại và không công nhận người khác, không cố gắng vươn lên. Nhiều khi bé được khen thường xuyên quá lại không thấy hết giá trị của lời khen. Dần dần, bé không thể chấp nhận những lời góp ý, phê bình của người khác. Còn như tôi, nếu tôi không chịu khen mà suốt ngày chê sẽ làm con thấy thành tích của mình không được ghi nhận. Con sẽ chẳng chịu cố gắng hết sức mình vì không được công nhận và khích lệ. Có lẽ vì thế mà dần dần, con ít trò chuyện với bố mẹ, ít chia sẻ với mẹ những niềm vui, nỗi buồn khiến tôi thấy con ngày càng xa mình hơn. Tôi đã vô tình nghĩ sai về con. Tôi thấy mình chưa công bằng với con.
Tôi bỗng thấy áy náy với cậu con trai đang tuổi lớn của mình. Thế là, tôi mạnh dạn mời con đi ăn kem và nói với con cảm xúc thật của mình. Nó ngước nhìn tôi rồi bỗng nhoẻn miệng cười: “Con cứ tưởng, con không bao giờ có thể làm hài lòng mẹ được”. Chưa bao giờ tôi thấy cu cậu đẹp trai và dễ thương như thế! Tôi hiểu, phải khen đúng thành tích và phê bình đúng sai sót thì mới có thể làm bạn với con và con mới trưởng thành được.
Hà An