Các bé có khuynh hướng hình thành thói quen ngăn nắp dựa trên hai nguồn cơ bản, đó là sự quan sát, bắt chước cha mẹ và qua hoạt động được lặp đi lặp lại hằng ngày.
Nhìn đống đồ chơi hỗn độn của bé Sim, mẹ cằn nhằn:
- Tại sao con vứt đồ chơi lung tung thế này? Phải cất vào cho gọn chứ, nếu không lấy gì để chơi cho lần sau?
Bé Sim hết nhìn mẹ rồi lại nhìn vào đồ chơi, nửa muốn làm theo lời mẹ nửa muốn quay sang lục lọi trong ngăn tủ gần đó để lấy ra món đồ chơi khác. Sau một lúc tần ngần, bé sà vào lòng mẹ năn nỉ:
- Mẹ dọn giúp con đi, nhiều thứ quá con không dọn được.
- Vậy thì con đừng bao giờ chơi nữa. Mẹ bận lắm, không dọn được. - Mẹ sẵng giọng.
Thế là con bé sụ mặt xuống, mắt rơm rớm…
Tình cờ, cô bạn thân của mẹ đến chơi, hiểu rõ sự tình bèn chỉ cho mẹ bí quyết:
- Trước đây, con bé nhà mình cũng thế chứ có hơn gì đâu! Trẻ con chẳng có đứa nào muốn dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, nhưng mình phải tập cho bé thói quen ngăn nắp từ bây giờ là vừa, đã học lớp Mầm chứ còn bé bỏng nữa đâu? Lúc đầu mình làm thử cho bé xem, chỉ cho bé cách thức dọn đồ chơi như thế nào, nói cho bé hiểu nếu không làm sẽ không có đồ chơi đẹp để chơi cho ngày mai… Dần dần, bé quen với việc dọn dẹp, biết tự dọn đồ chơi vừa nhanh vừa gọn gàng, ngăn nắp, thỉnh thoảng còn giúp mẹ cất dọn đồ trong nhà. Mình nghĩ bé Sim vốn ngoan, bạn cứ hướng dẫn từ từ cho bé rồi đâu sẽ vào đấy thôi!
Các bé có khuynh hướng hình thành thói quen ngăn nắp dựa trên hai nguồn cơ bản, đó là sự quan sát, bắt chước cha mẹ và qua hoạt động được lặp đi lặp lại hằng ngày. Bạn cần bắt đầu từ những bài học cơ bản như tập cho bé thói quen rửa tay trước và sau khi ăn uống, sau khi chơi, đi vệ sinh…ngay từ khi bé 2 tuổi. Để hình thành lối sống tốt cho bé, bạn cần huấn luyện cho bé từ những việc nhỏ nhặt như cất đồ chơi vào đúng chỗ, không nghịch phá trong bữa ăn, bỏ rác vào thùng sạch sẽ… Trong cách cư xử, cần để ý đến cách thức bé tiếp xúc với những người xung quanh. Nếu bé làm điều sai, bạn hãy dạy bé nói câu “xin lỗi”, khi nhận quà cần nói “cảm ơn”.
Để bài học trở nên dễ dàng hơn, bạn nên nói rõ các nguyên tắc và giải thích cho bé hiểu trước khi yêu cầu bé thực hiện, cần nói theo cách đơn giản và dễ hiểu. Chẳng hạn, để tập cho bé thói quen cất đồ chơi gọn gàng vào tủ sau khi đã chơi xong, bạn hãy nói: “Con cất đồ chơi vào để chúng không bị hư hỏng và lần sau có thể chơi tiếp”. Đồng thời, hãy làm mẫu cho bé vì dù muốn hay không trong mắt bé, bạn luôn là người mẫu tuyệt vời nhất.
Ngoài ra, bạn nên động viên, khuyến khích bé mỗi khi bé thực hiện được thói quen tốt. Thường xuyên nhắc nhở bé bằng nhiều thí dụ khác nhau, chẳng hạn như nhặt món đồ chơi bỏ vào hộp, cố ý sao cho bé nhìn thấy để bé nhớ mình vừa quên nguyên tắc hoặc nếu bé có làm sai. Bạn cũng cần hiểu rằng, nếu muốn bé ngăn nắp, đừng vô ý vứt bừa bãi đôi giày mỗi nơi một chiếc hoặc quăng vội chiếc mũ lên bàn ăn, mặc dù bạn đang rất bận và mệt.
Kim Hài