Khi được 2 tuổi, con trai tôi đã bắt đầu tỏ rõ việc thích ăn món này và không thích ăn món kia. Bé có thể chỉ ăn toàn sữa chua, trái cây trong suốt cả tuần mà không cảm thấy chán, nhưng sau đó lại đột ngột thay đổi ý thích, chỉ ăn toàn phô-mai và khoai tây nghiền.
Lúc đầu, tôi cố gắng tìm mọi cách để ngăn cản, nài nỉ bắt bé phải đổi sang ăn các món khác. Bé vẫn cứ ngậm mãi trong miệng rồi phun cả ra ngoài. Tôi vẫn không chịu thua, tiếp tục ép. Nhưng vẫn công cốc.
Ảnh minh họa.
Bí quá, tôi phải chiều theo ý thích ăn uống của bé, nhưng để giúp bé có đủ năng lượng, tôi cho bé uống tăng cường sữa. Sau khoảng 2 tuần lễ, tôi nấu món ăn mới, không trộn lẫn nhiều thứ với nhau và cho bé ăn nửa ngày, nửa ngày còn lại vẫn ăn theo ý bé. Trong thời gian này, tôi vẫn tiếp tục cho bé uống 2 ly sữa mỗi ngày. Kết quả thật bất ngờ, thằng bé nhấm nháp món mới một cách ngon lành giống y như món “ruột” của nó lâu nay. Dần dần, tôi giảm bớt khẩu phần trái cây, sữa chua… để tăng thêm món mới cho con và duy trì cho cháu uống sữa để bé đạt tối đa yêu cầu về chiều cao và cân nặng.
Khi chúng ta cho bé ăn nhiều nhóm thực phẩm khác nhau có nghĩa là đã cung cấp cho bé một chế độ ăn uống cân bằng. Điều này rất có lợi về lâu dài cho bé khi bé được ăn những món bé thích còn hơn là bé không ăn món nào cả.
Bùi Thị Thùy Như (Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận)