Năm tôi 12 tuổi, mẹ tôi “đem” về nhà một chiếc xe ðạp. Tôi nói là “đem” vì lúc nhỏ tôi nghĩ, khi mua một thứ gì thì hiển nhiên thứ ðó phải mới coóng, và ở trong tình trạng tốt nhất.
Còn chiếc xe đạp ấy thì cũ nát đến mức lớp sơn bong tróc gần hết, trơ ra một màu kim loại gỉ sét xấu xí. Nhìn chiếc xe đạp, tôi thầm nghĩ: “Mẹ đem về nhà làm gì cái khối sắt hoen gỉ ấy!”.
Thế nhưng, ý nghĩ đó biến thành cảm giác có lỗi khi mẹ cười hồ hởi: “Mẹ mua lại nó ở chỗ bán phế liệu, chỉ cần bỏ ra ít tiền sửa lại là có thể chở rau đi bán được rồi”. Tôi nhận ra mẹ cần một chiếc xe đạp đến thế nào.
Bố tôi mất khi tôi 8 tuổi, em gái tôi khi ấy mới 5 tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi hai anh em tôi ăn học. Mẹ tôi là một người rất kiệm lời, làm nhiều hơn là nói. Mẹ thức dậy lúc 4 giờ sáng, gánh rau đến chợ để bán. Đó là chợ ở thị trấn, cách nhà tôi tận 5 cây số. Gần nơi tôi ở cũng có một cái chợ nhỏ. Nhưng mẹ nói bán ở đấy chẳng được bao nhiêu, rau ở chợ thị trấn có giá hơn nhiều. Ngày nào cũng vậy, mẹ đi từ lúc sáng sớm, trở về lúc giữa trưa, và lần nào mồ hôi cũng rịn ướt lưng áo.
Từ khi có chiếc xe đạp, mẹ không phải thức dậy quá sớm, không phải đi bộ một quãng đường xa với đôi quang gánh trĩu nặng trên vai. Mẹ chỉ sửa lại những gì cần thiết, chiếc xe đạp vẫn giữ nguyên màu nâu gỉ sét. Nhưng giờ với tôi, nó không còn là chiếc xe đạp xấu xí nữa.
Năm tôi chuẩn bị lên lớp 10, một hôm mẹ nói sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp. “Một chiếc xe đạp mới hả mẹ?”. Tôi cố tình nhấn mạnh từ “mới”. Và khi mẹ cười xác nhận: “Ừ, mẹ sẽ mua cho con một chiếc xe đạp mới”. Tôi muốn hét toáng lên vì vui sướng. Thật là tuyệt! Một chiếc xe đạp mới chứ không phải là chiếc xe đạp cũ kĩ, hoen gỉ được sửa lại, như chiếc xe đạp của mẹ. Những ngày sau đó, tôi không ngừng tưởng tượng ra cảnh mình vi vu cưỡi trên chiếc xe đạp màu bạc sáng bóng.
Nhưng năm đó, tôi bị sốt xuất huyết. Số tiền mà mẹ dành dụm để mua xe đạp cho tôi đã chi hết vào tiền viện phí và thuốc men. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được đôi mắt mẹ đêm hôm đó. Đôi mắt nhòe nước, đau đớn, dằn vặt. Mẹ nói không thể mua xe đạp mới cho tôi, và rằng mẹ chỉ có thể sửa lại chiếc xe đạp của mẹ cho tôi đi học. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc kể từ ngày bố mất. Có lẽ, mẹ cảm thấy mình là một người mẹ tồi tệ và thất bại vì không làm được như đã hứa, không thể mua cho con mình thứ mà nó ao ước.
“Không đâu mẹ, con không cần xe đạp mới nữa đâu mẹ!”. Tôi nói bằng giọng kiên quyết, để mẹ biết rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn thứ gì khi đã có mẹ. Cuộc sống của anh em tôi đã được mẹ lấp đầy bằng tình yêu thương rồi.
Tôi đi học bằng chiếc xe đạp của mẹ. Điều đó cũng có nghĩa là mẹ phải thức dậy sớm hơn, gánh rau đến chợ bằng đôi vai gầy. Tôi tin rằng, dù bầu trời có sụp xuống, mẹ cũng sẵn sàng dùng đôi vai ấy để nâng đỡ, che chở cho những đứa con của mẹ.
Học kỳ II của năm lớp 10, tôi được mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Chiếc xe đạp màu bạc đúng như tôi mong ước. Dĩ nhiên là nó mới cóng và đẹp hơn chiếc xe đạp của mẹ rất nhiều. Không chỉ đơn giản là phương tiện đi lại, chiếc xe đạp là động lực để tôi cố gắng học thật tốt. Những ngày đến trường trên chiếc xe đạp mới, guồng chân theo những vòng quay, tôi chở đi khát vọng về một cuộc sống sung túc cho mẹ và em gái, ước mơ về cổng trường đại học, chở theo cả tình yêu bao la của mẹ.
Tôi thi đậu vào trường đại học đúng như mơ ước. Rời quê, xa mẹ. Tôi mang theo chiếc xe đạp vào Sài Gòn. Rong ruổi qua những đường phố tấp nập, hành trình thực hiện khát vọng của tôi chỉ mới bắt đầu. Con đường phía trước sẽ có những gập ghềnh, khó khăn.
Nhớ về mẹ. Nhớ đến hình ảnh đã in sâu trong tâm trí tôi. Mẹ guồng chân trên chiếc xe đạp hoen gỉ chở những gánh rau trĩu nặng. Tôi có thêm sức mạnh để tiến bước. Trong cuộc hành trình này, tôi không bao giờ đơn độc. Bạn biết mà, bạn sẽ không để khó khăn nào cản trở bước chân của mình, khi bạn có tình yêu vô bờ của mẹ. Tình yêu ấy lớn hơn bất cứ điều gì trên thế giới này.
Sưu tầm