Nhớ cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể “kiên cường” đến vậy.
Ngày còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi luôn mong Tết đến thật nhanh, để được nghỉ học, được đi chơi, được nhận tiền mừng tuổi, được tha hồ ăn kẹo bánh... Đến khi lớn hơn, tôi vẫn thích Tết. Là con út nên tôi không phải làm gì, mọi việc đã có mẹ và chị gái lo. Chỉ sau khi lấy chồng, tôi mới không còn tư tưởng “thích Tết” nữa.
Chồng tôi quê ở Thái Nguyên. Sau khi cưới, chúng tôi thuê nhà ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về quê vào những ngày nghỉ, lễ Tết. Cưới nhau đã 5 năm nhưng chưa năm nào chúng tôi được đón Tết ở Hà Nội. Chồng tôi là con trưởng, lại là trưởng họ nên bố mẹ chồng tôi quy định ngay từ năm đầu tiên: vợ chồng, con cái phải về quê ăn Tết. Thế là, năm nào cũng vậy, cứ chiều ngày 29 Tết, sau khi ăn bữa cơm tất niên sớm ở nhà ngoại, chúng tôi khăn gói lên đường.
Dù đã 5 năm trôi qua nhưng tới giờ, mỗi dịp Tết đến, tôi vẫn “choáng váng” khi nghĩ đến việc phải về quê ăn Tết. (Ảnh minh họa)
Nhớ cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể “kiên cường” đến vậy. Sau khi vượt qua quãng đường dài hơn trăm cây số, tôi những tưởng hôm sau mình có thể được “ngủ nướng” cho “lại sức“. Nhưng đúng 4 giờ sáng, tôi bật dậy bởi tiếng gõ cửa và giọng thì thào của mẹ chồng: “Con dậy đi, chuẩn bị đãi đỗ, rửa lá để gói bánh chưng”. Hai mắt tôi cay xè, tưởng chừng không thể mở ra được. Nhưng tôi vẫn phải cố bò ra khỏi giường và làm theo lời mẹ. Ngày 30 Tết trôi qua thật nhanh vì tôi có quá nhiều việc để làm: gói bánh, đồ xôi, làm gà, chuẩn bị 3 mâm cỗ cúng tất niên, giao thừa, dọn dẹp nhà trên, nhà dưới... Đến 12 giờ đêm, thay vì đón giao thừa, xem pháo hoa như khi còn son rỗi, tôi lại tất tả chuẩn bị đồ cho mẹ cúng trong nhà, ngoài trời, rồi đợi tàn hương để dọn dẹp. Xong việc cũng là lúc đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, tôi nằm lăn ra giường vì “kiệt sức”. Nhưng vừa chợp mắt được một lúc, tôi lại giật mình bởi mẹ chồng gọi dậy dể làm cơm cúng gia tiên ngày đầu năm mới và chuẩn bị cỗ mời khách khứa, họ hàng đến chúc Tết!. Hai mẹ con hì hụi làm 12 mâm cỗ, thức ăn bày la liệt trong gian bếp nhỏ. Gần 8 giờ sáng đã có khách tới chúc Tết, người ra người vào, tiếng cười nói râm ran khắp nhà từ sáng đến tối mịt. Cứ mỗi đoàn khách tới, tôi lại phải chuẩn bị dọn một mâm cỗ lên nhà trên; đoàn này chưa hết, đoàn khác lại tới. Tôi phải chạy đi chạy lại, hết đón khách, sắp mâm, lấy rượu tiếp thêm rồi dọn dẹp, rửa bát đĩa mà chẳng kịp ăn hết một bát cơm. Sáng ngày hôm sau, cả người tôi đau ê ẩm, đôi chân mỏi nhừ, mặt mũi bơ phờ và chẳng thể cười thật tươi khi đi chúc Tết họ hàng...
Dù đã 5 năm trôi qua nhưng tới giờ, mỗi dịp Tết đến, tôi vẫn “choáng váng” khi nghĩ đến việc phải về quê ăn Tết. Vẫn biết tình nghĩa họ hàng, làng xóm là vô cùng đáng quý nhưng giá mà... mọi người có cái nhìn “thoáng” hơn để có thể giảm nhẹ được việc cỗ bàn linh đình, để những nàng dâu trưởng như tôi có cái Tết thực sự!
Minh Hiếu