Để chồng chia sẻ việc nhà
Có gì quan trọng đâu khi đét vào mông thằng con một cái khi nó không nghe lời, có gì quan trọng đâu khi làm chồng buồn vài phút, cũng chẳng có vấn đề gì khi cãi lại bố mẹ vài lời, cũng chẳng sao khi chê bai con bạn thân dạo này sao… sề thế? Một nhà văn đã từng nói, có giận nhau, có bực bội thì cũng giống như mây bay và nắng sớm mưa chiều, cơn giận sẽ tan và mọi người lại vui vẻ? Có gì là quan trọng…?
Câu trả lời là … có đấy, bởi vì sao, vì đó là bậc sinh thành, là bạn đời, là con, là bạn nối khố … là những người mà bạn chỉ có duy nhất hoặc ít nhất khó thay thế, do đó cần hết sức cẩn thận. Một nhà tâm lý học của Mỹ đã ví von: “Đối xử với người thân yêu nhất giống như đi trên bãi đất có … mình. Bạn mà không khéo sẽ bị “thương tật tinh thần” rất lớn, có khi suốt đời.
Do đó, có những điều bạn cần cẩn thận, tốt nhất ĐỪNG bao giờ làm với những người thân yêu của mình nhé.
Với “một nửa”
Chẳng ai muốn hôn nhân nửa đường gãy gánh, do đó, cần chú ý đến “một nửa” đầu ấp tay gối của mình nhé, vì dù sao người ấy sẽ chia bùi sẻ ngọt với bạn đến cuối đời. Đừng bao giờ lặp lại lần thứ n chồng mình phải sửa cái cửa chết tiệt. Bạn cho rằng, phải nhắc để chồng nhớ, không đâu nhé vì khi chồng bạn bắt đầu thấy bạn “sửng cồ”, anh ta sẽ không để ý đến bạn nữa vì anh ta đã nghe “điệp khúc” đó nhiều lần trước đó. Bạn đang tạo ra cái trái ngược với điều mình mong muốn rồi.
Đừng bao giờ cho là mình luôn luôn đúng. “Nhân vô thập toàn”, huống chi đàn ông và phụ nữ có cách tiếp cận rất khác nhau về cùng một vấn đề. Đàn ông thích hành động, có khi hành động nhanh, còn đàn bà thì tìm tòi và suy nghĩ. Không có cách nào “hay ho” hơn khiến tình vợ chồng sức mẻ là thái độ “sao anh cái gì cũng trật, để em nhắc hoài vậy!
“Đừng bao giờ to tiếng với nhau cùng một lúc. Chồng giận thì vợ làm lành, câu đó bao giờ cũng đúng từ đông sang tây. Có ai lại giương buồm khi trời bão tố đâu, đằng này là hai cái buồm to tướng cùng giương lên oai hùng cùng lúc thì chỉ có mà… mau chìm tàu!
Đừng bao giờ thổ lộ với ai, dù là với mẹ ruột, những gì chồng đã tâm tình với mình. Nếu chồng bạn đã khóc trên vai bạn, đã thú nhận là anh sợ hãi hoặc đã hành động ngu xuẩn thì bạn sẽ… ngu hơn vài ngàn lần nếu bạn nói những chuyện như thế với ai đó. Một khi ảnh biết được là ảnh... tịt ngòi luôn, có cho tiền lẫn cho... tình ảnh cũng hết dám tâm với sự cùng bạn.
Đừng chờ đợi chồng mình nhớ ngày sinh nhật của mình, ngày cưới đôi ta hay ngày hai đứa giận nhau, hôn nhau đầu tiên. Đàn ông không bao giờ nhớ buổi sáng thức dậy mình đã để đôi giày ở đâu thì làm sao bạn đòi hỏi người ta nhớ những chi tiết... cao thượng như thế!
Đừng quên thỉnh thoảng chơi trò Romio và Juliette với ảnh, dù bạn đã 60 tuổi và ảnh thì 7 bó lẻ vài sợi. Nhớ đừng để “sắp nhỏ” thấy, mắc công Romio dỗ... tới sáng Juliette cũng còn mắc cỡ.
Với bạn bè thân
Đừng nói với bạn “sao mà bết bát quá vậy” hay “dạo này xuống sắc” , “mẹ sề” … ngay lập tức khi gặp lại nhau. Không ai ưa được nhận xét đó đâu (dù người đó “bết bát” thiệt).
Đừng bao giờ la rầy con và to tiếng với chồng trước mặt bạn thân. Vì có thể, người bạn sẽ thấy bạn có vẻ “quỷ quyệt” khi làm như thế.
Đừng than với bạn nhiều quá. Dù là người có thiện chí cách mấy, bạn bè sẽ xa lánh bạn ngay vì mỗi lần gặp là bạn “trút, đổ, tống, thảy,tạt, hất” mọi ưu phiền của mình thì ai mà chịu thấu.
Đừng vội nói cho người bạn thân này nghe chuyện mà người bạn thân kia đã tâm sự với bạn. Nhà xã hội học Jan Yager khuyên bạn đừng chia sẻ bí mật và chuyện riêng của ai mà lại không xin phép họ trước.
Đừng chỉ trích quá mạnh một người bạn thân, khi người đó thật tình nghĩ là điều họ làm hoàn toàn đúng.
Đừng quên bạn thân quan trọng hơn bạn… thường, vậy đừng mượn tiền mà quên trả, mượn xe chạy hết tốc lực, hẹn đi chơi rồi cho leo cây, chửi rồi xin lỗi... chỉ vì người đó là bạn thân.
Với con cái
Dù chúng do mình đẻ ra, chúng cũng là các “sinh thể hoàn toàn độc lập” với bạn, trên phương diện nào đó. Vì vậy, khi người ta đã “nhớn” một tí, làm ơn bạn dẹp giùm mấy danh xưng... thời “cởi truồng” như thằng Cu, Cái Tũn, Bò, con Chí…, nhất là trước mặt bạn người ta. Đừng bao giờ chê con mình xấu (mình có hỏi ý kiến của nó khi đẻ nó ra đâu) hay một tật như… đái dầm, sờ ti mẹ, móc lỗ mũi, nhất là bô bô kể cho… người yêu nó nghe là không còn gì để nói!
Đừng hù dọa con khi con còn quá nhỏ, nó có thể tưởng là thật thì không nên. Ví dụ “con ngu như thế thì đâu phải do ba má đẻ ra đâu, anh Hai thông minh mới là con ruột ba má!”
Đừng công kích bạn bè thân của nó không có lý do xác đáng. Khi con bạn bắt đầu tuổi 15 trở lên, có khi thần tượng của nó là thằng bạn thân “chết tiệt” nào đó mà không hiểu sao bạn rất ghét. Bạn công kích “thằng bạn chết tiệt” quá tay một chút, coi chừng sẽ sẽ bỏ theo “thằng mắc toi” đó thì bạn sẽ không còn... ai để la mắng!
Đừng từ chối tâm sự với con nếu thấy nó muốn nói cái gì đó. Bạn nên nhớ, có những bậc phụ huynh sẵn sàng đổi phân nửa gia sản để đứa con yêu mở miệng tâm tình với họ. Tâm sự với cha mẹ dần dần sẽ nhạt phai khi đứa con lớn dần. Sau này hoặc nó tâm sự với “thằng chết tiệt” hay “con nhỏ đáng ghét” của nó, còn ba mẹ chỉ để nó xin tiền hoặc xin phép đi đâu đó mà thôi.
Hồng Quang