Vấn nạn vừa ăn cướp vừa la làng, cướp chồng người khác rồi quay ngoắt 180º sang đánh ghen, đe nẹt, hăm doạ người vợ hợp pháp không còn là chuyện hiếm thời nay.
Có người thì bằng cách khôn khéo giữ lại được chồng, nhưng cũng nực cười thay, lại có những bà vợ nhẫn nhịn đến nhu nhược để cho những cô nhân tình “cướp trên giàn mướp” chồng mình, nhưng có cô “vạch áo cho người xem lưng” để rồi chính mình đi đánh ghen lại là người mang thương tích khi về…
Ảnh minh họa.
Ngày xưa các cụ có đến 36 kiểu ghen, các bức tranh Đông Hồ xưa từng vẽ lại có đủ kiểu, đủ trò như giật tay, nắm tóc, đánh nhau, xỉ vả… nhưng không biết có kiểu ghen nào vừa thâm thúy, cao siêu như của cô Tranh (31 tuổi) hay là phải tôn thành kiểu 37.
Sau những đêm cô đơn, hiu quạnh, hậm hực tưởng tượng cảnh anh Nhân trở về nhà má gối vai kề, chăm sóc vợ, Tranh không tài nào chợp mắt. Chỉ nội cái ý nghĩ mình là kẻ cướp chồng là đã khiến Tranh ấm ức lắm. Tranh nghĩ chỉ có cô là người có thể mang lại hạnh phúc cho Nhân, giúp anh vui vẻ, bình an. Còn cô vợ (tên Hương) chỉ tổ ăn bám chồng, suốt ngày chỉ biết có cái bếp, gốc sân, lại không biết đẻ thì chỉ là hoạ. Nghĩ thế nên cô suy nghĩ nát óc nhằm tìm ra mưu lược “cứu” Nhân ra khỏi gông xiềng của chị vợ.
Bằng cách tìm hiểu sinh hoạt của chị Hương, Tranh tiếp cận làm quen, trò chuyện tâm tình như hai người bạn. Trong những lần tâm sự chị em đó, Tranh không ngớt khoe về mình nào là giàu sang, hiều dịu, thủy chung, biết vun xén trong ngoài, nấu ăn giỏi nhưng không hiểu sao duyên số chưa đến nên đến nay vẫn chưa có chồng. Một ngày giả vờ như tình cờ biết anh Nhân, Tranh liền nhìn Hương một cách thương cảm, rồi không ngớt lời trách móc anh Nhân có người vợ ngoan hiền thế mà lúc nào cũng than phiền nào là có vợ cũng như không, vợ vô dụng không giúp chồng kinh tế gia đình, xấu mà không biết làm đẹp, vợ ngu dốt, “gà” không biết đẻ trứng… Mưa dầm thấm đất, Hương cảm thấy tự tin, là kẻ ăn hại, cộng thêm gần đây thấy chồng lạnh nhạt, nên nghĩ quả thật mình là kẻ vô dụng, sống với mình, anh Nhân sẽ khổ và không thăng tiến được. Nghĩ thế, vì tình yêu chồng, Hương quyết định lặng lẽ ra đi.
Thế nhưng, cũng có cô trơ trẽn yêu cầu người vợ hãy buông tha chồng mình. “Cô nói mà không biết suy nghĩ, đã cướp chồng tôi, khiến cuộc sống tôi trăm bề đau khổ thế này, vì danh dự chồng, tôi đã không làm rùm beng lên, cô không biết cảm ơn mà còn bày đặt đến đây ra điều kiện, bảo tôi bỏ chồng, la ó thế này là sao”. “Anh Hoàng nói anh không yêu chị nữa, chỉ yêu tôi thôi, chỉ có tôi mới mang hạnh phúc đến cho anh ấy, anh ấy còn bảo rất muốn li dị vợ nhưng chị không chịu và vì anh còn trách nhiệm với con”. Nghe những lời này, tim chị Hạnh đau như cắt, tâm trạng đau buồn, hụt hẫng vô cùng. Nhưng chị cố gượng mỉm cười, nói chắc nịch một câu “tôi yêu chồng tôi và sẽ kéo chồng về với gia đình”.
Về nhà, chị tỏ thái độ như chưa từng có cuộc gặp gỡ này, cũng như không biết mối quan hệ ngoài luồng của chồng, vẫn đối xử chăm sóc tử tế, chiều chồng, chăm con hết mực. Chị chú ý đến bản thân hơn, tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc khi được ở bên chồng, bên con, chăm đưa con về thăm ông bà nội. Và thỉnh thoảng cũng sẵn sàng bỏ chồng ở nhà để đi shopping, ăn uống cùng bạn bè, lúc vợ chồng vui vẻ, chị thủ thỉ rằng được ở bên anh chị rất hạnh phúc, anh là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, nhưng nếu ngày nào đó, anh không còn yêu chị nữa thì hãy nói ra, vì tình yêu, chị chấp nhận ly hôn để anh được hạnh phúc.
Thử hỏi có người đàn ông nào mà không xúc động, mủi lòng trước tấm chân tình của người vợ hết lòng với chồng, với gia đình như thế. Và cũng chẳng “thằng đàn ông” nào dại bỏ một chốn bình yên vững vàng, ổn định “vợ cái con cột” để chạy theo một bóng hồng phù du.
Ảnh minh họa.
Hãy nghe lời hối lỗi của một chân dài trót đưa chân vào kiếp “thê thiếp”: “Biết thân phận mình là kẻ đến sau, không được phép ghen, nhưng sao em cảm thấy tủi thân, mủi lòng và ấm ức lắm. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, nếu em chấp nhận sống vợ hờ như thế mà lại được cưng chiều, tiền bạc đủ đầy, thế mà lại hay. Đằng này, vì ghen, em cứ hối thúc anh ấy bỏ vợ, nếu không thì giận hờn, “cấm vận”, thời gian gặp nhau đã lén lút, ít ỏi thế mà lại thường xuyên nghe những “điệp khúc” ấy, anh ấy đâm chán. Sai lầm dẫn đến vết sẹo trên mặt này là em đã vạch áo cho người xem lưng, nếu em không tìm đến chị ấy “đánh ghen” thì chị ấy đâu tài nào biết để rồi thuê bọn xã hội đen rạch mặt cảnh báo như thế này. Làm người thứ ba cay đắng lắm, cái quyền ghen khi yêu cũng không có!”.
Nhà tâm lý học Manfried Schmitt (ĐH Tổng hợp Trier, Đức) đã định nghĩa: “Mỗi người đều muốn đạt được mục đích trong cuộc sống của mình. Đó có thể là sự gắn bó cả đời với một người nhất định hoặc được người mình yêu mến quan tâm. Khi cảm thấy ai đó hoặc cái gì đó cạnh tranh, như đám mây dông che mờ mục tiêu, ta sẽ rơi vào tình trạng báo động. Đó là ghen”.
Người ta vẫn bảo trái tim nó có lý lẽ riêng của nó, không ai muốn làm người thứ ba để mang tiếng cướp chồng, phá vỡ hạnh phúc của người khác. Nhưng cái gì ngược thì thường không được chấp nhận, đến với người đã có gia đình đã là sai trái, ghen với vợ hợp pháp của người ta lại càng sai lầm. Hãy đặt tình huống mình là người bị phụ bạc, bạn sẽ đau khổ biết nhường nào. Nếu có yêu người đã có gia đình chân thành thì hãy dũng cảm, chấp nhận rời xa, bạn sẽ có hạnh phúc về sau.
Từ những trường hợp trên, các chuyên viên tâm lý cũng khuyên chị em khi có chồng “thèm phở” hãy bình tĩnh, khôn khéo, tế nhị xem xét lại mọi vấn đề để từ đó có một định hướng, cách giải quyết hợp lý để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Hoàng Minh