Khi vợ chồng xa cách…

Kết hôn, ai cũng muốn ở cạnh vợ hoặc chồng mình, nhưng vì hoàn cảnh, công việc, nhiều người phải chịu cảnh xa cách. Có người coi đó là động lực để “thắp sáng ngọn lửa tình yêu” nhưng nhiều người lại mắc phải lỗi lầm đáng tiếc.


Khi vợ chồng xa cách…

Chị Ngoan – giáo viên dạy tiếng Anh, yêu anh Quân - bộ đội được 1 năm thì hai người tổ chức đám cưới. Suốt thời gian yêu nhau, họ gặp nhau vài lần, còn chủ yếu qua thư từ, điện thoại. Ngày mới quen, chị đã được anh cảnh báo: “Yêu bộ đội là khổ và phải hy sinh nhiều lắm đấy!” nhưng chị vẫn vui vẻ: “Yêu anh, em chấp nhận tất cả”. Cả nhà chị, ai cũng ngăn cản, nhưng ý chị đã quyết thì không ai có thể lung lay được. Giờ đây, chồng đi công tác xa, có khi đến hai tháng mới về thăm vợ con khiến chị vô cùng tủi thân. Người ta lúc vượt cạn có chồng ở bên cạnh chăm lo, lúc con ốm có chồng giúp, còn chị một mình lùi lũi tự làm tất cả. Nhiều lúc, chị chỉ ước ao “giá như chồng mình ở nhà”.
 
Mỹ Vân 27 tuổi, làm ở một công ty liên doanh, lương cao, lại xinh đẹp, thông minh nên được nhiều người quan tâm đưa đón. Sau một thời gian tuyển chọn, Vân quyết định lấy Tâm - một kỹ sư tài năng. Cưới nhau chưa đầy 2 tháng, công ty Tâm có công trình ở Khánh Hòa, Tâm phải khăn gói đi theo công trình. Sống trong căn nhà 3 tầng rộng rãi, vắng vẻ, Vân càng thấy trống vắng, cô đơn. Cô rất sợ về nhà vào mỗi buổi chiều. Vì thế, khi tan sở, Vân lại rủ bạn bè khi shopping, đi ăn, đi xem phim… để giết thời gian. Cuối tuần, Tâm về, Vân vẫn không bỏ thói quen hằng ngày, khiến Tâm cảm thấy nhà không còn là “tổ ấm” nữa.
 
Xa mặt cách lòng?

Liên gặp chuyên viên tư vấn với tâm trạng rối bời. Hai vợ chồng lấy nhau được một năm, giờ đang rơi vào bế tắc. Chồng chị làm trong ngành du lịch, thường xuyên phải đi công tác nên chị luôn phải chịu cảnh “chăn đơn gối chiếc”. Ở cơ quan, có anh bạn yêu quý, quan tâm. Mới đầu, chỉ là bạn bè, nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, hai người chính thức cặp kè. Không lâu sau, sự việc vỡ lở. Chồng chị biết nhưng chỉ im lặng. Chị vô cùng hối hận, không biết làm sao đối mặt với chồng.
 
Tân và Quỳnh yêu nhau được 3 năm, mặc dù Tân đang học Tiến sĩ ở Nga nhưng vì gia đình Quỳnh lo lắng “Con gái có thì, không thể chờ đợi lâu” nên trong thời gian nghỉ hè, hai người đã tổ chức đám cưới. Vợ chồng hạnh phúc được 20 ngày, Tân lại khăn gói sang Nga. Quỳnh một mình sống trong nỗi nhớ, nỗi buồn…Vốn sức khỏe không tốt, tâm trạng lại buồn bã thường xuyên nên Quỳnh bị sảy thai. Tân ở bên Nga phần vì việc học vất vả, phần vì tham gia tích cực vào các hoạt động của đoàn, hội nên thời gian gọi điện, email… về cho Quỳnh ngày càng ít đi.


 
Làm sao để “xa mặt” mà không “cách lòng”?

Theo bà Trần Thị Hồng Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tình yêu Hôn nhân gia đình (TP.HCM), xa cách làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cả vợ và chồng. Người vợ luôn cảm thấy tủi thân khi không có chồng ở bên, nhất là lúc ốm đau, sinh nở… Ngoài ra, đàn ông có nhu cầu giải tỏa tâm lý cao nên dễ nảy sinh các mối quan hệ khác.
 
Phụ nữ vốn nhạy cảm, yếu mềm nên thường nhớ nhung, buồn phiền nhiều hơn nam giới. Để không rơi vào trạng thái chán chường, mỗi người cần phải làm chủ bản thân mình, biết chấp nhận sự thật, sống chung với nỗi nhớ, phải đặt ra mục tiêu cho cuộc sống và dành nhiều thời gian để trao đổi, tâm sự với nhau… Đặc biệt phải thành thật và thẳng thắn với nhau để hiểu nhau hơn. Ngoài ra, nên tham gia các khóa học nâng cao kiến thức, sức khỏe, tránh xa cám dỗ.
 
Hồng Điệp

Bài viết liên quan

0932221090