Một ngày đẹp trời nọ, hai vợ chồng có chuyện bất đồng quan điểm, cãi qua cãi lại, cảnh cáo rổi mà chồng không chịu nhận khuyết điểm, không chịu thay đổi, vẫn chứng nào tật nấy. Tức mình, tối ngủ không được, đã thế cô bạn lại còn xúi “chồng thế thì bỏ quách đi cho rồi”, thấy mình quá khổ. Vậy là hy hoáy viết đơn ly hôn và hí hửng đưa cho chồng ký. “Anh có giỏi thì ký đi, đường ai nấy đi, cho khỏe!”
Phải chăng, mình đang “đùa với lửa”?
Trường hợp chị H, trong suốt 10 năm chung sống, có 4 lần chị làm đơn “ trình ký”. Cứ sau mấy ngày làm mình làm mẩy với cái tính “bao đồng” của chồng, chị lại làm đơn. Mỗi lần, đơn được “duyệt” một cách khác nhau. Nhưng chị không nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết mâu thuẫn, nên ông chồng chị “đã bao đồng lại càng bao đồng hơn”. Hôm vừa
rồi, thấy ông chồng cho đứa cháu ruột hai triệu đồng mua xe máy, chị lồng lộn với anh: “Chuyện nhà cửa, tiền học con, tiền vay ngân hàng không lo, nó đi làm, tự kiếm tiền mà mua xe, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, đủ tiền mua xe mới thì mua, không thì mua xe cũ…” Vậy là “ điệp khúc”: Anh chỉ biết mang tiền cho bên nội, toàn chuyện bao đồng… lại vang lên. Giọt nước tràn ly, anh chồng bảo sao vợ ích kỷ chỉ biết mình mà không biết chia sẻ với người khác. Chiến tranh bùng nổ. Chị chờ anh đi công tác về là chìa đơn ký, ai ngờ anh ấy ký ngay và “ đổ lỳ” ra luôn. Bây giờ chị đòi đưa con anh nuôi, anh đồng ý. Chị dành tài sản hết, anh cũng ừ. Riêng chị bảo, anh phải chấm dứt việc quan tâm bên gia đình mình thì anh từ chối. “Em thấy thế nào mà tốt cho em thì làm. Anh không thể bỏ gia đình anh được”. Vậy là ông chồng đi công tác luôn. Bây giờ, đơn đã ký, chồng đã đồng ý, không có gì để dọa anh ấy sợ. Nhưng chị H đã trót leo lên lưng cọp. Không biết phải làm gì, chị đành tự trấn an mình “Sau cơn mưa, trời lại sáng, rồi anh ấy sẽ quay về khi nguôi cơn giận”. Nhưng chị đã không biết rằng “con sông kia đã đến lúc cạn khô”. Vậy nên không thể hy vọng “nước mắt lấp đầy con sông kia” được nữa.
Ảnh minh họa.
Chị T ở Bình dương, vì bức xúc “ Chồng gì mà nói mãi không thay đổi”, chị làm đơn bắt anh ký. Chị hy vọng là anh sẽ thấy “Con cá mất là con cá to”. Ai ngờ, thành ly hôn thật. Trong khi làm thủ tục ly hôn, chị bực tức bắt anh lên rẫy cao su đếm từng gốc cao su để chia, ra ngân hàng chia đôi cuốn sổ tiết kiệm tiền học của con. Vậy mà ly hôn xong, chị vẫn ở lại trong Nhà thờ họ của gia đình anh. Mấy năm trời, chị hy vọng anh quay lại. Nhưng anh đã không thể vượt qua được sự ám ảnh khi chị cố giành nốt những gì “của chồng công vợ”. Mặc dù anh rất thương hai đứa con, anh vẫn về thờ cúng ông bà tổ tiên, nhưng anh không thể tha thứ được cho người vợ của mình. Chị T đau khổ và tuyệt vọng khi biết anh lấy một người đàn bà nhiều tuổi hơn chồng và… xấu hơn mình. Chị đã thấu hiểu sự sai lầm của việc “ dọa ly hôn” cách đây 3 năm.
Nỗi lòng người đưa đơn
Có rất nhiều cách để bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ gia đình, giải quyết các mâu thuẫn. Theo tôi, “ dọa ly hôn” là một cách tối kỵ. Người phụ nữ cần hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi đưa đơn ly hôn cho chồng. Chồng có thể chần chừ, kiếm cớ hoãn binh và không ký. Nhưng nhỡ may, ông ấy cầm bút “làm cái rẹc” thì sao?
Nếu may mắn, chồng không ký vì vẫn còn” yêu em tha thiết”. Ta lại sinh ra cái thói tự kiêu, tưởng mình vẫn còn “có giá”. Vậy ta lại hả hê, ta “đắm chìm trong chiến thắng” và quên mất một điều vô cùng quan trọng: Tìm nguyên nhân của mâu thuẫn để cùng nhau giải quyết tận gốc của vấn đề. Nhưng nếu chồng không ký vì chồng muốn mình mòn mỏi đợi chờ sự thay đổi của chồng, thì đó cũng là một bất hạnh cho người “Trình ký”. Vậy là ta bắt đầu” đoán mò”: họ đang muốn gì, sao họ im lặng, sao họ tỉnh bơ vậy? Bộ họ muốn mình chết dần chết mòn hay sao?
Nhưng dù sao, khi “người ta” không ký đơn, mình còn là vợ “ hợp pháp”, còn có cái quyền gọi là “ quyền làm vợ”. Chồng ký cái rẹc, vậy mới nguy. Một cảm giác tiu nghỉu “thì ra ông ấy đâu cần mình, vậy mà mình cứ cặm cụi hy sinh cho chồng con. Ông ấy chỉ chờ có vậy là được tự do, là được thoải mái với cái cô mà bấy lâu nay mình vẫn nghi ngờ”. Lại thấy lo lo, biết đâu nhân cơ hội này ông ấy “ù té quyền” luôn, vậy là bỗng nhiên mình trở thành “ tiếp tay cho địch”. Khi đó, phụ nữ rơi vào một trạng thái hoang mang. Niềm tin bị sứt mẻ, cảm giác vai trò của mình đối với gia đình và đối với chồng bị hạ thấp.
Bên cạnh đó, người nhận được chữ ký bất ngờ và không chờ đợi sẽ bị động, khó xử. Nếu nộp đơn có nghĩa là ly hôn thật và bao nhiêu người biết. Nếu” ỉm luôn” thì mất mặt với người ký. Và phải làm gì để chống biết là mình chỉ dọa thôi chứ đâu phải mình muốn bỏ chồng? Tự nhiên, mình đang ở thế chủ động, bỗng nhiên trở nên bị động, “tiến thoái lưỡng nan”.
Nhưng đáng sợ hơn là phải đối mặt vào phần cuối và quan trọng trong Đơn ly hôn: Con chung và tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đây là một vấn đề nhạy cảm.
Dọa giao con
Thường thì phụ nữ không tin là chồng mình sẽ chăm sóc tốt con cái, và cho rằng đối với đàn ông, việc nuôi con là một gánh nặng. Nên khi “dọa ly hôn”, người phụ nữ hay ép chồng “Chúng nó là con anh, mang họ anh, cháu đích tôn nhà anh, anh mang về nuôi”. Lúc đó người phụ nữ nghĩ rằng vì ông chồng sợ nuôi con nên không thể bỏ mình được.
Nhưng có nhiều ông sẵn sàng nhận trách nhiệm làm bố và làm mẹ. Vậy là người phụ nữ lại bắt đầu cuống lên. Nếu không có con, chẳng còn gì để níu kéo, ràng buộc hai vợ chồng. Nguy hiểm hơn là con cái sẽ nghĩ mình đang cố thoát khỏi chúng, để rảnh rang tìm hạnh phúc mới. Thực chất, có ai thay thế được mẹ của những đứa con đâu.
Giành tài sản
Đã ly hôn thì phải đặt vần đề phân chia tài sản. Người phụ nữ đôi lúc nghĩ rằng, có thể dùng quyền sở hữu tài sản để “khống chế” chồng mình. Vậy là người vợ tuyên bố” anh muốn đi đâu thì đi, tài sản để lại cho tui, anh thử ra đi với hai bàn tay trắng, xem thử có con nào nó rước anh không?”. Và rất nguy hiểm là có nhiều ông chồng chấp nhận ra đi, để lại tài sản cho vợ, “người còn không tiếc thì tiếc gì cái nhà”.
Vậy là mọi yêu cầu của người” dọa ly hôn” sẽ được đáp ứng. Nhưng họ không biết rằng, con cái họ đang thất vọng vì mình - một người mẹ vô trách nhiệm. Chồng mình đang mất đi sự tôn trọng khi thấy mình tham lam với khối tài sản “chưa biết để làm gì”.
Tình cảm có thể làm nên vật chất, của cải. Khi hai người yêu thương, chia sẻ với nhau họ có thể làm nên nhiều của cải “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” mà. Nhưng khi người phụ nữ đặt vấn đề tài sản lên trên tất cả thì sẽ mất hết tình cảm. Dù cho mình có thanh minh bao nhiêu đi nữa, thậm chí mình chứng minh được việc tranh giành tài sản là” vì lợi ích chung” thì vẫn không thể dời đi được một tảng đá trong lòng người trong cuộc.
Lời kết
Ly hôn là một quyết định đúng nếu như cả hai người thấy sống với nhau không còn hạnh phúc, và” không thể chịu” được nhau nữa. Và khi đặt vấn đề ly hôn, là lúc mình” bó tay” để giữ gia đình. Đừng bao giờ đưa đơn ly hôn để thách thức vợ hoặc chồng.
Bởi vì, sau khi ta tuyên bố, sau khi ta cố chứng minh mình đang muốn chia tay thật là một sự bẽ bàng. Khi mọi việc lắng lại, thật ngại ngùng và khó khăn khi trở về với nhau. Nhiều người không thể thoát khỏi sự ám ảnh về một người vợ tham lam keo kiệt, hay một người chồng nhu nhược không có chính kiến. Căn nhà không chỉ có bốn bức tường bức bí mà còn có thêm một bức tường của mặc cảm tự ty ngăn cách giữa các thành viên gia đình.
Con cái của họ, sau khi chứng kiến sự giành giật, đùn đấy trách nhiệm, sẽ mất niềm tin vào cuộc sống và sự bền vững của một gia đình. Thậm chí, chúng còn thấy có lỗi khi bố mẹ không chia tay được mặc dù đã hùng hồn tuyên bố không hợp nhau. Chúng thấy người lớn nói một đường làm một nẻo, nói hết yêu, không cần nhau mà vẫn sống với nhau, nói tiền bạc là phù du vậy mà khi chia tay lại cấu xé nhau vì tiền bạc, nói con chung của hai người vậy mà khi chia tay lại đùn đẩy nhau nuôi.
Cần nhớ, ly hôn là một quyết định quan trọng thay đổi cuộc đời mình, có thể tốt hơn và cũng có thể xấu đi. Nhưng chắc chắn đây không phải là vũ khí để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Võ Thị Minh Huệ
Chuyên viên tư vấn tâm lý