Ngày trước, em nhu mì, ít nói, hiền hậu bao nhiêu thì giờ đây, theo thời gian, những ưu điểm ấy dần dần bay biến.
Thế là vợ chồng mình đã cùng nhau bước đi trên con đường hạnh phúc của hôn nhân được gần chục năm rồi. Hai “nhóc tỳ” - một trai một gái - là tài sản quý giá nhất mà em dành tặng anh. Anh luôn thầm cảm ơn em, người vợ đảm đang đã vun vén, lo lắng, chăm sóc cho gia đình nhỏ từng ngày. Thế nhưng, điều khiến anh khổ tâm nhất chính là tính cách của em. Ngày trước, em nhu mì, ít nói, hiền hậu bao nhiêu thì giờ đây, theo thời gian, những ưu điểm ấy dần dần bay biến.
Chẳng biết từ khi nào, anh thường xuyên nghe em quát nạt con, thậm chí quát cả anh chỉ vì những chuyện không đâu. Mỗi lần quát tháo, em dùng những từ ngữ thật khó nghe, nếu không muốn nói là… ác khẩu. Nhiều lần la mắng xong, biết mình đã trách nhầm, em cũng chẳng buồn nói một lời xin lỗi hay tỏ ra áy náy. Anh khuyên nhủ, em chẳng thèm nghe, còn viện ra đủ thứ “lý do cùn” để quả quyết rằng mình không sai, lại còn làm ầm ĩ lên. Chuyện trong nhà nhưng hàng xóm bất đắc dĩ phải tỏ tường vì cái “loa phát thanh” hoành tráng này. Em không còn bình tĩnh để nói chuyện điềm đạm được nữa.
Để nhà yên cửa ấm, anh chỉ còn cách… nhịn. Nhưng một sự nhịn, chín sự vẫn chẳng lành. Càng nhịn, em càng lấn tới. Nhưng không nhịn, mọi chuyện càng tệ hơn. Không chỉ “gây hấn” với người trong nhà, bà con họ hàng nội, ngoại đều “ngán” em. Chính mẹ ruột của em cũng buồn lòng khi tâm tính đứa con gái yêu của bà ngày càng kỳ cục.
Mấy hôm trước, nhà có đám giỗ, em cứ hậm hực, lầm bầm khi mọi người đang vui vẻ ăn uống. Ai cũng nhận ra nhưng cố tình “lơ” đi, vì đã quá hiểu bản tính của em. Thế nhưng, việc không dừng lại ở đó. Khi mấy đứa cháu gái chuẩn bị dọn dẹp, em bóng gió: “Họ nhà mình có người bị lao phổi, đồ của người đó nên bỏ vào thúng rác, kẻo lây bệnh cho mọi người”. Người mà em ám chỉ ở đây là chị Hạnh. Một thời gian trước, chị Hạnh bị lao phổi nhưng đã chữa trị khỏi hẳn. Người thân mắc bệnh, lẽ ra phải cảm thông, thương xót, đằng này em không những kỳ thị mà còn cư xử thiếu tế nhị. Chị Hạnh tủi thân, rơm rớm nước mắt, lủi thủi chào mọi người rồi về trước. Bà con họ hàng thấy không khí căng thẳng nên chẳng ai bảo ai, đều đứng dậy ra về. Tức giận với lối cư xử của em, xấu hổ với họ hàng, anh đã tát em một cái để em nhận ra mà sửa chữa. Vậy mà em cho rằng anh đã xúc phạm em, em giận, không nói với anh nửa lời.
Anh biết tâm tính của em cũng không đến nỗi độc địa, chỉ là “khẩu xà tâm phật”. Như vừa rồi, cô Hạ bị đau ruột thừa, phải nhập viện, trong khi chú đi làm xa chưa về kịp. Em xung phong ngày đêm túc trực, chăm lo cơm nước cho cô. Em cũng cho cô mượn tạm tiền nộp viện phí. Bình thường, em hay tỏ thái độ ghét hàng xóm ra mặt, thỉnh thoảng còn gây chuyện cãi nhau. Nhưng khi nhà ai có ma chay, cưới hỏi, em chẳng nề hà, sốt sắng thức trắng mấy đêm liền, chung tay phụ giúp.
Anh cứ ước, giá như em vẫn nhiệt tình, tốt bụng như thế mà sửa đi cái tính cộc cằn, nóng nảy và biết lựa lời khi nói thì gia đình hạnh phúc, êm ấm biết bao…
Ngô Thị Hương Quế