Thông thường, các thức ăn vặt là những thực phẩm thiếu chất dinh dưỡng, lại nhiều năng lượng do chứa nhiều muối, đường và chất béo…
Sau những giờ vui chơi, học hành hay sinh hoạt ngoài trời, các bé cần có các bữa phụ để bổ sung năng lượng, tránh tình trạng quá đói bụng dẫn đến ăn quá nhiều ở bữa ăn sau và tránh thiếu năng lượng sau khoảng thời gian dài từ bữa ăn trước. Bữa ăn phụ cũng cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho các bé tuổi đang phát triển, từ đó duy trì được nguồn năng lượng cả ngày cho các bé trong độ tuổi ưa hoạt động. Tuy nhiên, bữa ăn phụ khác với chuyện cho bé ăn vặt liên tục vì thức ăn vặt không đúng giờ sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
Thông thường, các thức ăn vặt là những thực phẩm thiếu chất dinh dưỡng, nhiều năng lượng do chứa nhiều muối, đường và chất béo (thường là những chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe) như bánh ngọt, khoai tây chiên, bánh snacks, kẹo, nước ngọt có ga…
Vậy ăn vặt có những tác hại gì?
- Thông thường, những bữa ăn vặt không có kế hoạch trước sẽ có thể có số lượng thức ăn nhiều quá dẫn đến tăng nạp năng lượng cần thiết hơn mức bình thường cho nhu cầu một ngày của các bé. Nếu các bé ăn vặt thường xuyên và nhất là trong lúc đang xem ti vi hay chơi game thì sẽ khó kiểm soát được lượng thức ăn. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng tăng cân hay béo phì.
- Ăn vặt thường xuyên và không có giờ giấc nhất định sẽ làm cơ thể giảm khả năng đốt chất mỡ dư thừa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở các bé.
- Những đồ ăn vặt như nêu trên còn có thể dẫn đến tình trạng sâu răng. Thông thường, các bé chưa có ý thức vệ sinh răng miệng hoặc không biết cách chăm sóc răng miệng sau khi ăn thức ăn chứa nhiều đường, vì lúc này độ pH trong miệng sẽ giảm (nhiều axit) và răng dễ bị ăn mòn hoặc sâu, đặc biệt là vào buổi tối.
- Ăn vặt thường xuyên còn dẫn đến tình trạng các bé không có cảm giác đói và sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít khi đến bữa ăn chính, nhất là những bé đã biếng ăn, sẽ dẫn đến việc các bé ăn ít thức ăn giàu chất bổ dưỡng (mà các bữa ăn chính cung cấp), dẫn đến chuyện các bé không tăng cân, hoặc thiếu hụt năng lượng và chất dinh dưỡng.
- Ăn vặt còn làm cho các cơ quan nội tạng như gan, lá lách phải làm việc nhiều hơn bình thường, cùng với lượng đường trong máu và lượng chất béo không ổn định trong ngày, dẫn đến tăng áp lực cho mạch máu và có thể ảnh hưởng đến tim.
Vì vậy, bạn cần lưu ý kiểm soát thời gian cho các bé ăn bữa phụ và chọn lựa thực phẩm để tránh những tác hại trên mà vẫn đảm bảo các bé có đủ dưỡng chất cần thiết cho một ngày. Trong trường hợp các bé quá kén ăn mà thích ăn thức ăn vặt thì bạn vẫn phải khuyến khích các bé ăn bữa ăn chính trước, sau đó có thể cho ăn kèm thức ăn vặt ngay để tăng năng lượng nạp vào. Tuyệt đối tránh ăn vặt trước bữa ăn chính 2 tiếng để tránh làm bé ngang dạ.
Thảo Phan
Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ