Bé từ 6 tháng tới 2 tuổi là giai đoạn phát triển nhanh về thể chất và não bộ, nên lượng chất béo trong khẩu phần ăn khá cao, chiếm 35-40% năng lượng một ngày (3-4g lipid/kg cân nặng).
Ngoài chất béo có nhiều trong sữa, sữa chua, phomai, váng sữa, bánh flan… và trong cả thịt nạc, cá, tôm, trứng… phần lớn là nguồn chất béo từ động vật, mẹ cần chú ý nguồn chất béo từ thực vật để bé được cân bằng dinh dưỡng và dễ hấp thu.
Lượng dầu ăn sẽ cân đối theo lượng bột, cháo mà bé ăn được. Một bát (200ml) bột hay cháo cân bằng về dinh dưỡng cần có 2 muỗng cà phê dầu thực vật (10 ml), dù bé ăn được ít hay nhiều thì tỷ lệ dầu trong 1 bát là không thay đổi. Nếu nấu bột sữa cho bé ăn (tức là thay thịt, cá, tôm… bằng sữa bột của bé), thì vẫn cần cho thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn (5 ml) trong 1 bát.
Ví dụ: bé 7 tháng, nặng 8 kg, năng lượng cần khoảng 800 kcal, nhu cầu từ chất béo khoảng 32g. Bé ăn bột 2 lần, mỗi lần 1/2 bát, như vậy cả ngày khoảng 1 bát, sẽ cung cấp 8-10 g chất béo. Ngoài ra, bé bú mẹ hoặc uống ít nhất 720 ml sữa/ngày sẽ được cung cấp khoảng 23g chất béo (trung bình 100 ml sữa công thức 2 chứa 3,2g chất béo). Như thế là đủ nhu cầu chất béo mỗi ngày.
Sau 2 tuổi, các bé chuyển sang cơm, cũng là lúc tốc độ phát triển của bé thường chậm dần, vì không ăn cháo nên cha mẹ cũng dễ “quên” luôn phần dầu ăn, nhưng nhu cầu chất béo tuổi này vẫn cao, nhất là bé dưới 6 tuổi vẫn cần phát triển hoàn thiện trí não. Vì vậy, cha mẹ cần cho bé 2 muỗng cà phê dầu trong một bữa ăn (khi xào rau, xào thịt bò, lấy nước xào chan vào cơm cho bé… hay khi nấu canh, múc riêng cho bé một bát canh và cho thêm dầu vào lúc canh còn nóng), tăng cường các món chiên xào với các bé hơi chậm tăng cân và hạn chế với những bé đã dư cân, béo phì.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM