Đứng trước gian hàng bánh Trung thu đầy màu sắc, kiểu dáng và hương vị, chắc hẳn mẹ không nỡ từ chối nguyện vọng được nếm thử một chiếc bánh của bé, lại thếm tâm lý mỗi năm có một dịp thì cứ cho bé ăn thỏa thích. Nhưng nếu xem xét trên khía cạnh dinh dưỡng thì ta nên chiều theo bé đến mức nào?
Ngày nay, khi xã hội phát triển hơn, bánh Trung thu cũng đa dạng hơn, bắt mắt hơn, kết hợp nhiều loại nguyên liệu mới ngon hơn và đương nhiên cũng “đắt” hơn.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn về dinh dưỡng của chiếc bánh Trung thu nếu như chiếc bánh chỉ xuất hiện vào đúng ngày rằm tháng tám trong năm và mọi người chỉ thưởng thức nó một lần trong ngày đó. Tuy nhiên, thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu rục rịch từ đầu tháng bảy. Những sạp bánh được trang trí, trình bày rất ấn tượng, thu hút nhiều khách hàng, cả người lớn lẫn trẻ con. Người ta mua bánh lai rai hơn tháng trời. Tết Trung thu bây giờ phải gọi là “mùa” Trung thu.
Có người cho con ăn một cái bánh Trung thu vào buổi sáng thay thế bữa ăn sáng thông thường nhưng không hề biết rằng bé đã nạp năng lượng gấp đôi 1 bữa sáng thông thường. Một tô phở hay một tô bún bò trung bình cung cấp khoảng 500 calo, trong khi một cái bánh Trung thu khoảng 250g có năng lượng từ 800 – 1000 calo. Nếu mỗi ngày, bé dư thêm 500 calo thì chỉ trong vòng một tuần, bé sẽ tăng thêm 0,5 kg, như vậy, một tháng tăng được 2 kg. Mà đa số những bé hảo ngọt là những đối tượng đã dư cân, béo phì.
Và nếu mẹ biết là với 1 tiếng đồng hồ đi bộ chậm chỉ tiêu hao khoảng 200calo, đi bộ nhanh tiêu hao 300calo thì chắc là mẹ cần phải đắn đo kỹ trước khi cho bé ăn hết một cái bánh Trung thu vì nó đáng giá bằng 1 giờ đi bộ (!!!)
Trong khi đó, những bé biếng ăn thì chỉ cần ăn một miếng bánh là có thể không ăn nổi bữa ăn chính vì bánh có nhiều đường làm cho bé no ngang và có nhiều mỡ làm cho lâu tiêu, kết quả là bé sẽ ốm hơn.
Hơn nữa, với tỉ lê 40% béo từ dầu mỡ, 40% đường chủ yếu là đường hấp thu nhanh, bánh Trung thu có thành phần không cân đối, không nên thay thế bữa ăn. Cha mẹ chỉ nên cho bé ăn thêm như một bữa phụ. Vì vậy, cách tốt nhất là nên cắt bánh vào dịp có đông người để hạn chế ăn quá nhiều.
Do bánh Trung thu có nhiều đường và chất béo như thế nên cũng không thích hợp với người bị tiểu đường và người có mỡ trong máu cao.
Còn những loại bánh được giới thiệu là rất “bổ” với nguyên liệu hiếm như vi cá, bào ngư, hải sâm, yến sào,… và những sơn hào hải vị khác, thiết nghĩ sẽ “bổ” được bao nhiêu với một lượng “đồ bổ” ít ỏi trong nhân bánh? Hơn nữa, để “bổ” được bao nhiêu đó, chúng ta phải nhồi nhét vào cơ thể mình biết bao nhiêu đường, mỡ, và có ai biết chắc là đó là vi cá, bào ngư thật hay giả trong hàng chục thứ nguyên liệu trộn lẫn trong nhân bánh mà ta lại phải trả với cái giá cao ngất trời?
Hãy cẩn thận lựa chọn khi mua và khi ăn để niềm vui thưởng thức mùa Trung thu được trọn vẹn.
BS.CK1 Trần Mỹ Loan
Trung tâm Dinh dưỡng (TP.HCM)