Nuôi dưỡng bé trong thời kỳ ăn dặm rất quan trọng. Mẹ cần lựa chọn và chế biến thực phẩm phù hợp với từng lứa tuổi của bé.
Nhóm chất béo không thể thiếu đối với sự phát triển cơ thể và trí não của bé. Tỷ lệ chất béo trong khẩu phần ăn của bé lứa tuổi ăn dặm chiếm từ 30- 40% tổng giá trị năng lượng. Dầu ăn và mỡ động vật là hai nguồn cung cấp chất béo tinh chế chủ yếu nhất. Khi chế biến bữa ăn cho bé, mẹ nên lưu ý kết hợp sử dụng cả dầu ăn và mỡ động vật. Mỗi bữa ăn, bé cần khoảng 5-10g dầu ăn hoặc mỡ động vật. Dầu ăn, mỡ cần được cho vào khi thức ăn của bé khi sắp bắc ra khỏi bếp. Mẹ nên tắt bếp rồi mới cho dầu hoặc mỡ vào.
Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung chất béo cho khẩu phần ăn của bé bằng phô mai, bơ, sữa. Các loại thịt gia súc, gia cầm hoặc cá và thủy hải sản cũng có một chút chất béo. Riêng đối với cá và thủy sản, chỉ nên cho bé ăn khi bé được từ 8-9 tháng tuổi để tránh cho bé bị dị ứng với các thực phẩm này.
Các thực phẩm nguồn gốc thực vật như đậu nành, lạc, vừng cũng rất giàu chất béo. Nếu bé mới ăn dặm, mẹ có thể nghiền nhỏ các thực phẩm này với bột gạo để nấu bột cho bé. Bé lớn hơn một chút có thể ăn cháo đậu phụ, cháo lạc xay để cân đối chất béo động - thực vật.
Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật bao gồm trứng, sữa, thịt, cá… Với bé từ 7-9 tháng tuổi, mẹ có thể dùng lòng đỏ trứng gà, thịt xay nhỏ để nấu bột cho bé ăn. Bé lớn hơn thì nấu cháo cá, thịt, tôm. Mẹ nên kết hợp sử dụng các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật bằng cách trộn đậu nành, đậu xanh xay nhỏ với bột gạo rồi ninh nhừ với bột, cháo cho bé ăn.
Mẹ nên lựa chọn thực phẩm giàu sắt nguồn gốc động vật như thịt bò, lợn, gan, tiết động vật. Thịt bò có thể xay hoặc băm nhỏ, nấu với bột, cháo cho bé ăn. Gan và tiết lợn, gà rất giàu sắt (phải chọn những lá gan của lợn hoặc gà không bị bệnh). Mẹ nên cho bé ăn 3-5 bữa/tuần các thực phẩm giàu sắt này. Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng các thực phẩm giàu sắt từ thực vật như đỗ xanh, các loại rau màu xanh thẫm, màu đỏ như rau dền, rau muống, rau cải… và băm nhỏ, nấu bột, cháo cho bé.
Để giúp bé phát triển khung xương, đạt được tầm vóc lý tưởng, vai trò của các thực phẩm giàu canxi là rất cần thiết. Ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ nên chú ý sử dụng các thực phẩm giàu canxi để chế biến bữa ăn cho bé. Canxi có nhiều trong các thủy hải sản như tôm, cua, cá, tép, các loại thịt và trong sữa, sữa chua, phô mai. Cua đồng giã nhỏ, lọc lấy nước, thêm một chút rau mồng tơi là mẹ đã có nguyên liệu để cho bé một bát cháo ngon, giàu canxi rồi.
Tất cả các thực phẩm đều quan trọng với bé. Mẹ nên kết hợp các thực phẩm hợp lý, chế biến vệ sinh, an toàn để bé có những bữa ăn ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển tối đa tầm vóc và trí tuệ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia