Bé biếng ăn do rất nhiều nguyên nhân. Hiểu đúng căn nguyên gây biếng ăn ở bé để cải thiện kịp thời, giúp cung cấp cho bé đầy đủ dưỡng chất để phát triển.
Biếng ăn bệnh lý
Bị đau họng, lở miệng - lưỡi, ho đàm, nghẹt mũi, nóng sốt, nhức đầu, đau răng, bệnh lý nhiễm trùng gây dơ lưỡi,... sẽ làm hạn chế việc ăn uống của bé, đồng thời kém tiêu hóa thức ăn. Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân gây ói ọc thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân làm cho bé sợ ăn.
Biếng ăn tâm lý
Khi có một nguyên nhân nào đó làm cho việc ăn uống của bé không được như mong muốn thì thường là bé sẽ bị ép ăn với nhiều hình thức, tăng dần từ dụ dỗ đến la mắng, hăm dọa, thậm chí dùng cả bạo lực. Dù là hình thức nào, dù đúng hay sai đều dẫn đến việc bé không thích ăn nữa, vì cứ hễ thấy chén, muỗng là biết sắp bị la mắng, đánh đòn (trong khi những lúc khác, mẹ luôn tươi cười và vui vẻ với bé). Đây là “căn bệnh” rất khó chữa.
Sai lầm về chế độ ăn
Nhiều cha mẹ có thói quen tạo ra quy định cho bé là mỗi bữa phải ăn ít nhất một chén và chỉ được tăng thêm chứ không được bớt đi. Bé chưa thể nhai cũng vẫn cho ăn cơm hoặc cứ cho bé ăn một vài thứ nhàm chán hay cho ăn thiếu chất… cũng làm bé biếng ăn. Việc cho bé ăn vặt quá nhiều, đến bữa ăn chính bé sẽ no dạ và cũng không muốn ăn nữa.
Sự thiếu hiểu biết của cha mẹ
Có rất nhiều trường hợp bé vẫn phát triển bình thường nhưng cha mẹ vẫn tìm cách thúc đẩy, gò ép bé ăn... gây ra biếng ăn tâm lý. Những giai đoạn mọc răng, học bò, học đi… có thể sẽ khiến bé lơ đãng ăn uống, nhưng vẫn chơi bình thường, 1-2 tuần sau bé sẽ ăn ngoan trở lại.
Biếng ăn bẩm sinh, biếng ăn di truyền
Trong 100 bé sinh ra thì có khoảng 5 bé biếng ăn bẩm sinh. Những bé này thường ít khi khóc đòi bú mà chỉ thích ngủ. Nếu bé chậm lên cân, cha mẹ phải canh giờ để đánh thức bé dậy ăn. Cha mẹ biếng ăn thường di truyền cho con tính khó khăn, kén chọn trong ăn uống.
BS.CK1. Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM