Năng lượng của nước uống được sinh ra chủ yếu từ chất đường như sacharose, glucse, fructose nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nếu không biết cách sử dụng hợp lý.
Nước trái cây
Trái cây có thể chế biến thành nhiều món nước uống khác nhau. Theo “Thành phần dinh dưỡng 400 món ăn thông dụng” - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Nước trái cây ép, vắt: nước cam vắt, nước ép táo, nước ép cà rốt, nước ép bưởi, nước chanh, nước sâm, nước rau má... Năng lượng của một ly nước ép trái cây có được là do lượng đường kính (sacharose) cho thêm vào. Mỗi 10g đường cho 40kcal. Vậy, một ly nước ép có 20g đường sẽ cho 80kcal.
Sinh tố: Năng lượng của một ly sinh tố bằng tổng năng lượng các nguyên liệu cho vào. Mỗi 10g đường cho 40kcal, 10g sữa đặc cho 37kcal, 100g trái cây cho năng lượng từ 30 - 100kcal tùy loại.
Ví dụ: 1 ly sinh tố đu đủ có 200g đu đủ + 30g sữa đặc + 20g đường = (30*2) + (37*3 ) + (40*2) = 252kcal.
Vì vậy, nếu tự chế biến đồ uống cho bé, cha mẹ có thể điều chỉnh để có một ly nước ép hoặc 1 ly sinh tố năng lượng cao hay thấp, tùy theo sở thích và tình trạng sức khỏe của bé.
Một số nước trái cây bán sẵn trên thị trường có năng lượng như sau: 1 ly nước cam 226kcal, 1 ly nước sâm 79kcal, 1 ly nước chanh 149kcal, 1 ly sinh tố bơ 331kcal, 1 ly sinh tố đu đủ 285kcal.
Ngoài ra, một số loại có thể uống mà không cần thêm đường hoặc không qua chế biến. Ví dụ: 200ml nước mía cung cấp 106kcal, một trái dừa tươi (420ml nước dừa) cung cấp 128kcal.
Nước ngọt
Hiện nay, chúng ta có một thị trường rất lớn đủ các loại nước ngọt có ga, không có ga… Trung bình, 1 lon nước ngọt (330ml) cung cấp 162kcal (bằng 1 chén cơm), 1 lon nước yến (240ml) cung cấp 94kcal.
Như vậy, hầu hết các loại nước uống đều cung cấp năng lượng và năng lượng này được sinh ra chủ yếu là từ chất đường.
Cha mẹ cần lưu ý
- Các đồ uống trên cung cấp nhiều năng lượng nên nếu bé uống thoải mái, thường xuyên, rất dễ gây dư thừa năng lượng, lâu ngày sẽ tích tụ thành “ mỡ”. Vì vậy, nước ngọt là một trong những “thủ phạm” làm cho bé bị bệnh béo phì.
- Vị ngọt của đường có khả năng gây ức chế tiết dịch vị, làm tăng đường huyết, ức chế sự thèm ăn, làm bé biếng ăn. Vì vậy, bé có thể suy dinh dưỡng nếu thường xuyên uống nước ngọt trước khi ăn.
- Đường có thể gây sâu răng nếu bé uống nước ngọt thường xuyên mà không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Nước ngọt công nghiệp chỉ cung cấp chất đường tạo vị ngọt và năng lượng nên gọi là “năng lượng rỗng”. Còn nước trái cây ép và trái cây xay thì có thêm một số chất dinh dưỡng như vitamin C, betcaroten và một ít chất xơ.
Viện Dinh dưỡng khuyến nghị: mỗi người chỉ nên ăn tối đa 600g đường/tháng. Vì vậy, cha mẹ nên tính toán số lượng nước ngọt trong tổng lượng đường của bé để bé không bị thừa năng lượng, thừa đường, đồng thời cũng cần tính toán số lượng nước trái cây vì lượng vitamin và chất xơ trong rau và trái cây (ăn cả xác) nhiều hơn trong nước ép.
Như vậy, ngoài tác dụng giải khát và cung cấp một ít vitamin thì các loại nước uống chứa đường không phải là chất dinh dưỡng cần thiết với bé. Cha mẹ không cần phải ép bé uống thường xuyên và không nên dùng nước ngọt, nước trái cây như một loại thực phẩm để thay thế cho bữa ăn của bé.
CNDD Tôn Nữ Thu Trang
Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)