Với tốc độ gia tăng tỷ lệ béo phì ở cả người lớn và các bé như hiện nay, chất béo gần như được xem là “xấu”. Tuy nhiên, cũng có chất béo ”không xấu”, đặc biệt cần thiết cho cơ thể đang phát triển của bé.
Công dụng của chất béo
Chất béo là 1 trong 4 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày. Chất béo cung cấp năng lượng gấp hơn 2 lần so với nhóm đạm và tinh bột. Chất béo giúp hấp thu những loại vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Cơ thể cũng sử dụng chất béo để xây dựng mô não, thần kinh, nội tiết tố... Vì vậy, chất béo rất cần thiết, nhất là đối với bé trong giai đoạn tăng trưởng. Bé càng nhỏ, nhu cầu chất béo càng cao. Theo khuyến cáo, bé 2-3 tuổi cần 30-35% năng lượng từ chất béo, bé trên 4 tuổi cần 25-30%.
Nếu sử dụng vừa đủ và biết cách chọn lựa, chất béo là có ích cho cơ thể. Chỉ khi sử dụng chất béo quá dư thừa thì nó mới được trữ trong các tế bào mỡ. Bé chỉ tăng cân khi ăn quá thừa năng lượng và chất béo.
Có những loại chất béo nào?
Chất béo được biết đến dưới các dạng:
Chất béo bão hòa: Có nguồn gốc từ thịt, sản phẩm từ động vật, bơ, phomai, sữa nguyên kem, các loại dầu dừa, dầu cọ. Sử dụng nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol máu, tăng nguy cơ tim mạch.
Chất béo không bão hòa: Có trong thực vật, cá. Các loại dầu oliu, dầu phộng, dầu canola, trái bơ cung cấp chất béo không bão hòa 1 nối đôi. Chất béo đa nối đôi có trong hầu hết các loại dầu thực vật. Omega 3 là chất béo đa nối đôi có trong các loại cá đại dương như cá ngừ, cá hồi.
Transfat: Hiện nay, transfat được lưu ý nhiều vì tác hại làm tăng cholesterol, tăng nguy cơ tim mạch. Transfat được tạo ra khi dầu thực vật bị hydrogen hóa, thường được sử dụng trong các thực phẩm ăn nhanh, nướng, chiên.
Ngày nay, các bé ở Việt Nam bắt đầu giống với các bé ở các nước phương tây khi hay ăn các loại thức ăn nhanh. Bởi vậy, bé cũng ngày càng nạp nhiều chất béo vào cơ thể hơn vì đa số thức ăn nhanh là dạng chiên nướng, nhiều dầu mỡ, cộng với các loại nước xốt dạng kem, phomai, bơ… cũng là chất béo. Ngoài ra, bé còn thường sử dụng nhiều chất béo “dấu hình” trong các loại thức ăn vặt như khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh snack, sô cô la, sữa nguyên kem, thịt xông khói, xúc xích… Đó là chất béo “xấu” khi ăn nhiều.
Theo khuyến cáo, mỗi ngày bé cần từ 25-35% năng lượng từ chất béo, trong đó ít hơn 10% là chất béo bão hòa, ít hơn 300mg cholesterol và giảm tối thiểu lượng transfat.
Chế độ ăn của bé hằng ngày đã có nhiều thức ăn từ động vật, sữa nguyên kem, phomai (chứa nhóm chất béo bão hòa) thì khi nấu ăn cho bé, cha mẹ cần cho thêm dầu thực vật (mè, nành, gấc, phộng, ôliu) hay các loại dầu cá để cung cấp thêm nhóm chất béo không bão hòa. Các loại dầu này không nên chiên xào ở nhiệt độ cao, và chỉ cho vào thức ăn sau khi tắt bếp để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
BS.CK1 Trần Mỹ Loan
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM