Nước ép trái cây được nhiều bà mẹ xem là một “bộ phận” không thể thiếu trong khẩu phần mỗi ngày của bé, thậm chí là món chính cho một bữa ăn phụ của bé. Nếu mẹ cũng đang nghĩ như thế, thì coi chừng, mẹ sẽ làm lệch khẩu phần ăn của con mất thôi!
Dinh dưỡng nghèo nàn
Trước hết, hãy xem thử thành phần các chất dinh dưỡng có trong món nước trái cây: nước chiếm hơn 99% trọng lượng; các chất hoà tan như đường đơn giản (đường fructose) có tác dụng làm tăng đường huyết nhanh; một vài vitamin tan trong nước mà chủ yếu là vitamin C và một chút xíu vitamin nhóm B. Chấm hết!!! Những thứ mà bạn bỏ lại trong phần xác mới là… “hàng hiệu”, đó là: chất xơ, đa số vitamin nhóm B (nhiều nhất là B1 và B6 nằm trong lớp vỏ mỏng sát thịt quả), chất khoáng, tất cả vitamin tan trong béo và tiền chất (như betacaroten). Đấy là thành phần của nước trái cây nguyên chất. Nếu mẹ còn pha loãng ra với nước, cho thêm đường (cũng là đường đơn giản sucrose), thì tình hình sẽ càng tệ hơn, vì càng làm mất cân đối khẩu phần hơn.
Lợi bất cập hại
Đường đơn giản trong nước trái cây là nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối. Khi lượng đường càng nhiều mà không kèm theo các vitamin nhóm B và khoáng chất cần thiết cho chuyển hoá đường, thì nguy cơ làm hao hụt kho dự trữ các vi chất dinh dưỡng càng cao. Đường đơn giản làm tăng đường huyết nhanh, đồng thời cũng làm ức chế trung khu thần kinh gây cảm giác đói. Vì vậy, nếu uống trước bữa ăn, bé sẽ mất sự ngon miệng, lâu ngày dẫn đến biếng ăn.
Với các bé dưới 6 tháng tuổi, nước trái cây hoàn toàn không được khuyến cáo sử dụng dù với lượng ít. Ở độ tuổi này, nguồn cung cấp nước duy nhất cho cơ thể là từ sữa, vì để cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu, bé phải uống đến 120 -150ml sữa/kg cân nặng, tức là tổng lượng nước cung cấp từ sữa đã vượt quá nhu cầu nước hằng ngày của bé. Cho uống thêm nước trái cây, tức là phải giảm bớt một phần sữa, đồng nghĩa với làm giảm nguồn cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng quan trọng cho bé. Nước trái cây với vitamin C cũng có thể làm gia tăng sự đóng vón đạm casein trong sữa, làm bé đầy bụng, khó tiêu hoá hơn. Với bé từ 6 tháng trở lên, nước trái cây có thể được dùng thỉnh thoảng trong bữa ăn dặm để thay đổi khẩu vị, nhưng không phải là thường xuyên.
ThS. BS. Đào Thị Yến Phi
Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)