Bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc, kém lưu thông, là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc bé bị bệnh, mẹ cần có chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý, thức ăn lỏng, dễ tiêu và đặc biệt là phải bổ sung nhiều nước cho bé.
Ưu tiên bù nhiều nước
Đối với bé bị sốt xuất huyết, cơ thể bị mất nước do sốt cao liên tục nên việc bù nước là rất quan trọng. Các loại nước tốt cho bé như nước cam, nước chanh, nước đun sôi để nguội, đặc biệt là dung dịch oresol để bù điện giải. Mẹ cần cho bé uống chậm từng ngụm nhỏ, từ từ để tạo điều kiện cho điện giải lưu lại trong ruột, đồng thời giúp bé không bị nôn trớ và đầy bụng.
Lúc bị sốt xuất huyết, nhu cầu nước đối với bé dưới 5 tuổi là khoảng 500 - 1.500 ml/ngày, bé trên 5 tuổi khoảng 2.000 - 2.500ml/ngày. Mẹ nên thay đổi các loại nước khác nhau để bé không thấy chán và kích thích bé uống nhiều hơn.
Dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn nhẹ, lỏng và dễ tiêu
Bé bị sốt xuất huyết thường mệt mỏi, dẫn đến biếng ăn, lười uống, càng khiến bé thiếu nước và thiếu dinh dưỡng. Do đó, bé cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và có chế độ ăn riêng biệt, hợp lý. Thức ăn cho bé phải là thức ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp thịt nghiền, sữa, bột dinh dưỡng cao đạm và cao năng lượng. Những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ khiến bé khó tiêu, nhanh chán… không nên cho bé ăn. Nếu bé không ăn được nhiều 1 lúc thì nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tuyệt đối không được để bé ăn quá no.
Các thức ăn, đồ uống có màu sẫm như: tiết, đậu đen, đậu đỏ, củ dền, dưa hấu, nước coca… có thể làm quá trình theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh không được chính xác vì những thức ăn này sau khi ăn, sẽ được bài tiết qua phân, khiến phân có màu sẫm, rất dễ nhầm lẫn với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa – một dấu hiệu của diễn biến bệnh trở nặng. Vì vậy, trong quá trình bé bị sốt xuất huyết, mẹ tuyệt đối không nên cho bé ăn những thực phẩm trên.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên trưởng phòng khám Nhi – BV Bạch Mai