Trong những ngày Tết, dù có bận rộn như thế nào, bạn cũng cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho bé để bé khỏe, gia đình vui đón Xuân.
Tết luôn là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm đối với các bé. Bé được mặc áo mới, được đi chơi, được nhận tiền lì xì và thích nhất là được “thoải mái” trong chuyện ăn uống. Vậy, làm sao để bé vẫn có dưỡng chất cân đối mà mẹ không mất nhiều thời gian nấu nướng để bé và mẹ cùng nhau vui Xuân?
Đối với các bé dưới 2 tuổi
Giai đoạn này, chế độ ăn của bé chủ yếu là sữa, các sản phẩm từ sữa, bột hoặc cháo giàu chất dinh dưỡng (có chứa đủ thực phẩm thuộc các nhóm giàu chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng). Bạn cần lưu ý:
- Dự trữ cho bé những món ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn như bánh flan (caramen), yaourt (sữa chua)…
- Với các bé ăn cháo, bạn có thể cho bé ăn các loại bột ăn dặm thay cho cháo vì các loại bột này đã được chế biến đủ chất dinh dưỡng và chỉ cần nấu chín bằng cách pha với nước ấm.
- Nếu sử dụng cháo ăn liền, để cân đối giữa các chất dinh dưỡng, bạn phải cho thêm một muỗng dầu ăn trước khi cho nước sôi vào cháo. Khi bé ăn xong cháo, bạn nên cho bé ăn một miếng phô-mai hoặc một quả trứng luộc để có chất đạm, sau đó cho bé ăn trái cây nếu không có sẵn rau để nấu cho bé.
Các bé trên 2 tuổi
Độ tuổi này, bé đã ăn đa dạng hơn nên bạn có thể cho bé ăn các món ăn truyền thống ngày Tết cùng với gia đình. Từ 2 - 5 tuổi, chế độ ăn của bé trong một ngày gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Bạn cần lưu ý:
- Các bữa phụ của bé phải là các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như sữa, yaourt, bánh flan, chè đậu, bánh bông lan… Các loại đồ ăn ngọt như kẹo, mứt, các loại nước ngọt mặc dù cung cấp năng lượng rất cao (40g - 50g mứt các loại, hay 14 viên kẹo trái cây, hoặc 1 lon nước ngọt sẽ cung cấp năng lượng bằng một chén cơm) nhưng nó chỉ chứa phần lớn là chất đường. Ngoài ra, vị ngọt của đường có khả năng gây ức chế tiết dịch vị, làm cho bé chán ăn sẽ bỏ ăn hoặc ăn ít trong bữa ăn chính. Vì vậy, bạn cần kiểm soát chặt chẽ, không nên để bé ăn bao nhiêu tùy thích.
- Bánh chưng, bánh tét được làm từ gạo nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, có thể làm bữa ăn chính thay cho bữa cơm hằng ngày của bé. Trung bình một miếng bánh chưng có trọng lượng khoảng 100g cung cấp năng lượng 200 kcal, tương đương với 1 chén cơm trắng và 30g thịt hoặc cá các loại.
- Một điều cần lưu ý là bữa ăn ngày Tết của bé thường thiếu rau, bạn nên dự trữ những loại rau có thể ăn mà không cần chế biến như dưa leo (dưa chuột), củ sắn (củ đậu), cà chua, xà lách… để phòng khi mẹ quá bận rộn thì bé có thể “tự lo”.
Chúc các bé có một sức khỏe tốt để đón mừng năm mới thật hạnh phúc cùng với gia đình nhé!
CNDD Tôn Nữ Thu Trang
Phó trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)