Fast food (thức ăn nhanh) ngày càng trở nên quen thuộc và là món ăn khoái khẩu của nhiều bé vì sự hấp dẫn, ngon miệng, dễ ăn và tiện lợi. Thế nhưng, những tác hại của thức ăn nhanh gây ra cho bé là không hề nhỏ.
Tăng cân nhanh và béo phì: Chất béo, đường và muối trong thức ăn nhanh đánh thức “vị giác nguyên sơ” của bé. Mỗi khi chúng nhìn, ngửi hay nếm vào thức ăn này, rất nhiều chất hóa học và chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích ra. Khi đó, bé sẽ khó kiểm soát và có khuynh hướng ăn nhiều hơn. Mặt khác, phần lớn thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ “xấu” nên có lượng calo cao, nếu ăn nhiều, bé sẽ dễ béo phì. Lượng cân dư thừa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của bé, là nguyên nhân của nhiều bệnh lý và có ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của bé.
Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa: Hệ thống tiêu hóa hoạt động kém dần khi ăn nhiều đồ chiên vì các chất độc hại từ dầu đun nóng. Loại thức ăn này còn có khả năng bị nhiễm vi khuẩn nếu không nấu kĩ. Ví dụ như phần thịt của hambuger, nếu thời gian và nhiệt độ nấu không thích hợp, vi trùng (E.Coli) sẽ không bị tiêu diệt.
Tiểu đường tuýp 2: Béo phì khiến tiểu đường tuýp 2 ở bé phát triển mạnh. Sau khi ăn thức ăn nhanh và đồ uống chứa nhiều đường, calo, lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh chóng.
Thiếu chất dinh dưỡng: Thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, snack... thường thiếu chất xơ. Nếu ăn nhiều, bé sẽ giảm ăn rau xanh và trái cây, dẫn đến thiếu vitamin, khoáng chất, các chất béo tốt và làm hệ miễn dịch suy yếu.
Bệnh về tim mạch: Thức ăn nhiều muối và nhiều chất béo làm tăng huyết áp, cholesterol, gây ra chứng xơ cứng động mạch và các bệnh về tim mạch khác.
Ung thư: Béo phì lâu ngày dễ dẫn đến ung thư (ruột già, thực quản, thận).
Suyễn: Bé béo phì dễ bị suyễn, thở khò khè, nặng ngực.
Bệnh gan: Nếu ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều tế bào mỡ sẽ tập trung ở gan. Lâu ngày, chức năng hoạt động của gan giảm sút, gây xơ gan.
Ảnh hưởng đến kết quả học tập: Fast food chứa nhiều chất đường và béo, làm tăng năng lượng nhanh nhưng cũng sẽ cạn kiệt nhanh trong một thời gian rất ngắn. Khi đó, khả năng tập trung và trí nhớ của bé giảm đáng kể, khiến kết quả học tập của bé bị ảnh hưởng.
Hội chứng suy nhược, chán nản: Bé ăn nhiều thực phẩm ăn nhanh có chứa nhiều chất béo, đường và ít dưỡng chất dễ bị trầm cảm, chán nản, mệt mỏi, suy nhược thần kinh. Ngược lại, nếu bé ăn đồ ăn có chứa chất chống oxi hóa như trái cây, rau xanh, chất béo tốt từ cá và các loại hạt (đậu phộng, hạnh nhân,…) sẽ có lợi cho hoạt động của não, tinh thần sảng khoái, yêu đời và đầy sức sống hơn.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM