Trong lớp thực hành nấu bột và cháo của Trung tâm dinh dưỡng, cô điều dưỡng đang vừa hướng dẫn vừa nấu cho các phụ huynh xem một bát cháo chuẩn.
Khi tắt bếp, thấy cô cho 2 thìa dầu vào nồi cháo và đảo đều tay, một chị thốt lên: “Sao cho nhiều dầu vậy cô, bé sẽ khó ăn lắm!”. Khi được cô điều dưỡng giải thích cặn kẽ, rồi thấy con mình ăn thử cháo ngon lành thì mẹ mới xuýt xoa: “Vậy mà bình thường tôi chỉ dám cho ½ thìa cà phê dầu ăn vào một chén cháo, có lẽ vì thế mà mấy tháng nay bé không hề tăng cân…”.
Đây là một sai lầm rất phổ biến khi nấu cháo cho bé. Cha mẹ sợ dầu ăn béo, khó tiêu hóa, nên cho rất ít, nhưng một số khác lại thường hầm xương lấy nước nấu cháo cho bé mà không biết rằng trong nước xương hầm rất nhiều chất béo từ động vật, sẽ làm bé khó tiêu hóa hơn nhiều.
Tại sao phải cần dầu ăn?
Dầu ăn thuộc nhóm chất béo, cùng với carbonhydrate (nhóm bột đường) và protein (nhóm đạm) giúp cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, 1 g chất béo cung cấp tới 9 kcal, hơn gấp đôi năng lượng do carbonhydrate và protein sản sinh ra.
Chất béo tham gia cấu thành nên các thành phần của màng tế bào, các mô thần kinh, tủy não; thúc đẩy việc hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K (ví dụ trong bữa ăn thiếu dầu mỡ, beta-carotene, tiền vitamin A có trong rau củ sẽ không chuyển hóa được thành vitamin A).
Khi nào cần cho bé ăn dầu ăn?
Khi bé tròn 6 tháng tuổi, tức là khi bé bắt đầu ăn dặm, vì trước 6 tháng, bé bú mẹ sẽ được cung cấp lượng chất béo tới 50 – 60% nhu cầu năng lượng. Sau 6 tháng, lượng sữa mẹ cũng giảm dần, mà bé ăn được rất ít, nên nếu không bổ sung dầu ăn vào bột, cháo, thì năng lượng trong một bát bột, cháo sẽ rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của bé, bé sẽ đứng cân, dễ bị giảm hấp thu các vitamin và canxi, sẽ thiếu chất và dễ bị bệnh vặt…
Nên ăn loại dầu nào?
Để cân bằng dinh dưỡng, nên cho bé dùng dầu tinh luyện hay dầu salad, và cho vào bột cháo khi đã nấu chín, nhưng phải khuấy thật kỹ để dầu trộn lẫn vào bột cháo, sẽ không ngán khi ăn, thậm chí còn giúp “bôi trơn”, giúp bé dễ nuốt.
Mỗi loại dầu đều có ưu điểm như dầu cá, dầu nành, dầu cải hay dầu hạt lanh có nhiều omega 3, tiền chất DHA, EPA, ALA… giúp phát triển não, hệ miễn dịch và tốt cho mắt. Dầu mè, dầu hướng dương, dầu nành, dầu oliu… có nhiều omega 6, tiền chất của ARA… có vai trò trong phản ứng viêm, bảo vệ cơ thể. Dầu gấc giàu beta-carotene, giúp bé sáng mắt, tăng sức đề kháng.
Như vậy, để tránh hiện tượng thiếu hay thừa dưỡng chất, cha mẹ không nên cho bé ăn một loại nào kéo dài, mà nên ăn nhiều loại dầu, vừa đủ dưỡng chất, vừa giúp bé yêu của bạn ăn ngon miệng hơn.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM