“Ăn kiêng” rất đơn giản nhưng cũng rất phức tạp vì cũng cần phải dựa trên tình trạng bệnh tật và sức khỏe của từng bé. Không nên tự động cho bé “ăn kiêng”.
“Bác sĩ ơi, con tôi phải ăn kiêng cái gì?” là câu hỏi thường trực của cha mẹ khi khám bệnh cho con, dù con bị bất cứ bệnh gì. Đôi khi cũng chẳng cần hỏi bác sĩ, các mẹ cũng cho con “ăn kiêng” theo chỉ dẫn của ông bà, những người hàng xóm… Và kết quả không phải lúc nào cũng được như ý: có thể bé sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, biếng ăn sau bệnh, lâu hết bệnh hoặc bệnh nặng hơn…
Vậy, khi nào cần cho bé “ăn kiêng”?
1. Bé bị bệnh thông thường như sốt, ho do nhiễm siêu vi ngắn ngày
Bé không phải ăn kiêng gì cả. Mẹ cứ cho bé ăn thoải mái, ăn càng nhiều càng tốt để cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng, giúp bé tăng sức đề kháng, khỏi bệnh nhanh hơn, không bị suy dinh dưỡng sau khi hết bệnh. Mẹ nên cho bé uống nhiều nước, không cần thiết phải kiêng ăn cơm, bắt bé ăn cháo và vẫn phải cho dầu vào thức ăn của bé để cung cấp năng lượng cho bé.
2. Khi bé bị tiêu chảy
Đặc biệt, nếu bé bị tiêu chảy kéo dài (trên 14 ngày) hoặc đi tiêu nhiều hơn sau khi uống sữa, mẹ nên kiêng cho bé uống sữa có nhiều đường lactose (loại sữa bình thường bé đang uống). Khi đó, mẹ cho bé uống sữa giảm đường lactose hoặc sữa đậu nành. Mẹ cần giảm bớt rau trong khẩu phần ăn của bé để giảm nhu động ruột, giúp giảm số lần đi tiêu. Bé cần kiêng uống nước trái cây và nước ngọt để tránh đi tiêu nhiều hơn. Bé vẫn có thể ăn cơm, cháo bình thường, chỉ khi nào bé bị thương hàn thì mới kiêng thức ăn cứng vì có nguy cơ thủng ruột mà thôi.
3. Bé bị ho kéo dài hoặc hen suyễn
Bé cần kiêng những thức ăn có dầu mỡ cũ như lạp xưởng, dầu cháo quẩy (quẩy), bánh cam (bánh rán), mì ăn liền, thức ăn dễ gây dị ứng như đậu phộng rang, tôm rang cả vỏ… Tốt nhất, mẹ biết bé lên cơn suyễn sau khi ăn thực phẩm gì thì nên kiêng loại đó.
4. Bé thừa cân
Bé cần kiêng những thực phẩm giàu năng lượng (nhiều đường, nhiều mỡ như các loại nước ngọt, bánh kẹo, thịt cá mỡ, các loại bánh snack, khoai tây chiên…
5. Với bé bị dị ứng thức ăn
Bé chỉ phải kiêng những thức ăn mà bé bị dị ứng. Muốn biết bé dị ứng với loại thực phẩm nào, mẹ phải ghi nhớ những thức ăn mà bé dị ứng và báo với bác sĩ khi đi khám. Bác sĩ sẽ hướng dẫn những thức ăn thay thế và kê đơn thuốc bổ sung để bé không bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
6. Nếu bé bị bệnh mãn tính (tiểu đường, suy thận, viêm gan, viêm loét dạ dày, béo phì…)
Mẹ cần cho bé ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ dinh dưỡng vì những thực đơn này rất phức tạp, cần được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe của từng bé. Không cho bé ăn kiêng tự phát, phản khoa học, không được tính toán cụ thể, vì điều đó sẽ làm bệnh nặng hơn.
BS.CK2 Nguyễn thị Hoa
Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)