Bạn đã sẵn sàng để mang thai?

Quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của cả hai vợ chồng rất quan trọng, là điều kiện cần thiết để có thai nhi khỏe mạnh, thừa hưởng được các tố chất tốt nhất từ bố mẹ. Vì vậy, bạn cần bổ sung, thay đổi một số thói quen ăn uống và sinh hoạt trước khi quyết định mang thai.

Để có 1 tinh trùng và trứng trưởng thành cần khoảng 3 tháng, vì vậy, kế hoạch mang thai của bạn nên bắt đầu từ 3-4 tháng trước đó.
 
Chế độ dinh dưỡng

Nếu cơ thể bạn quá gầy hay quá mập đều có thể bị rối loạn nội tiết, làm tăng nguy cơ khó thụ thai và các nguy cơ thai sản khác… Vì vậy, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để cơ thể cân đối. Hơn nữa, một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, cung cấp đủ các yếu tố vi lượng là hết sức cần thiết để tạo nên tinh trùng và trứng có chất lượng tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng, bởi thuốc bảo vệ thực phẩm, chất phụ gia, chất tạo màu không rõ nguồn gốc hay quá liều lượng… đều có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Những thực phẩm đóng hộp, đóng chai, nhiều đường hay các loại bột ngọt, nước đá… đều không tốt cho sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi sau này.
 

 


Ngoài ra, bạn cần đặc biệt chú ý nguồn thực phẩm chứa các chất cần thiết cho quá trình mang thai như: axit folic (bổ sung thông qua thực phẩm như gan động vật, các loại rau có màu xanh thẫm và một số hoa quả như cam, bưởi… hoặc dưới dạng thuốc uống với liều 400mcg/ngày trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng, uống kèm với viên sắt từ khi phát hiện có thai đến sau sinh 1 tháng); omega-3 (có trong cá thu, cá hồi, cá ngừ, dầu thực vật…).
 
Những việc cần làm khác:

- Cả hai vợ chồng cần được khám sức khỏe toàn diện trước khi quyết định có con, cần đảm bảo cả hai đều khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đủ sức khỏe để sinh con. Người vợ phải không có bệnh về răng miệng, không bị viêm nhiễm vùng sinh dục và cần được tiêm ngừa các bệnh như rubella, cúm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Nếu bạn đang điều trị các bệnh lý mạn tính như: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận, cường giáp, suy giáp, lupus ban đỏ,… bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.


- Người vợ không nên uống kháng sinh, thuốc ngừa thai trong vòng 3 tháng trước khi có thai.
- Chuẩn bị chu đáo về kinh tế để người mẹ yên tâm dưỡng thai, sinh nở và nuôi con.
- Nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, yên tĩnh để người mẹ có thể nghỉ ngơi thoải mái.
- Chuẩn bị trước các kế hoạch sinh con: chọn bệnh viện để sinh, nuôi con ở đâu, ai chăm sóc hai mẹ con sau sinh…
- Luôn giữ tâm thế thoải mái, hạnh phúc, lạc quan, ôn hòa, yêu thương đón đợi em bé.
- Để hỗ trợ cho thời kỳ mang thai, vượt cạn được dễ dàng và chăm sóc bé tốt hơn, người mẹ nên tham gia những lớp tiền sản. Tại đây, bạn sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh sản. Nhờ vậy, bạn sẽ không bị sốt ruột, lo lắng thái quá và sợ hãi.
 

 


Những việc cần tránh:

- Không mang thai trong thời gian khu vực bạn đang sống có dịch bệnh.
- Không mang thai khi một trong hai người đang bệnh, hoặc vừa khỏi một căn bệnh nặng, phải dùng đến thuốc kháng sinh.
- Tránh việc dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
- Tránh bia rượu, thuốc lá.
- Tránh làm việc căng thẳng để tránh rối loạn sự rụng trứng, giảm sinh tinh trùng và rối loạn chức năng tình dục.

BS Trần Thúy Anh
ThS XHH Phạm Thị Thúy

Bài viết liên quan

0932221090