Khi mang thai, bạn luôn mong muốn thai nhi phát triển tốt nhất. Thế nhưng, có bao giờ bạn thắc mắc về sự phát triển của thai nhi? Biết được sự thay đổi của thai nhi ở từng giai đoạn, bạn sẽ có kế hoạch tốt hơn để chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con. Theo y học, sự phát triển của bào thai sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn phôi thai
Từ khi trứng được thụ tinh đến tuần thứ 8 của thai kỳ là giai đoạn phôi thai. Trong giai đoạn này, phần lớn các bộ phận chính của cơ thể bắt đầu được thành lập như mắt, mũi, miệng, tay, chân, hệ thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn… Cuối tuần thứ 8, chiều dài phôi thai ước chừng 4 cm, nặng khoảng 14-15g. Đây cũng là giai đoạn mà bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn hoặc nôn do… “thai hành”.
Giai đoạn thai nhi
Giai đoạn này được tính từ sau tuần thứ 8 của thai kỳ đến khi sinh. Đây chính là giai đoạn phát triển và hoàn thiện các cơ quan, bộ phận của thai. Vì vậy, dinh dưỡng trong giai đoạn này hết sức quan trọng. “Thế nào là ăn đúng, ăn đủ”… còn là câu hỏi lớn của rất nhiều chị em đang “bầu bì”. Cũng trong giai đoạn này, bạn sẽ từ từ cảm nhận được em bé của mình đang lớn lên từng ngày qua sự to lên nhanh của bụng và những “cái đạp” của em bé trong bụng mình.
Có một vài điểm mà bạn thường quan tâm là:
- Khi nào biết giới tính của thai nhi? Qua siêu âm, giới tính của thai nhi sẽ được nhận rõ từ sau tuần thứ 16.
- Trọng lượng thai nhi? Ở tháng thứ 6 là khoảng 600 – 700g, tháng thứ 8 khoảng 1800g. Khi ra đời đủ tháng, bé nặng khoảng 2.500 – 3.200g, dài khoảng 45-50cm.
- Khi chào đời, bé như thế nào là bình thường? Thai nhi bình thường sinh đủ ngày tháng có da mịn màng, trơn, được bao phủ bên ngoài là một lớp chất gây màu trắng hoặc hơi vàng (giống như mỡ, sẽ tự tan trong vài ngày); da có 1 lớp lông mịn gọi là lông măng, móng tay dài hơn đầu ngón tay, vành tai cứng hơn vì đủ đã sụn.
BS.CK2 Nguyễn Thái Hà
Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, BV Từ Dũ (TP.HCM)