Siêu âm đã trở thành một lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu, giúp ích rất nhiều cho ngành y học chăm sóc, phục vụ sức khỏe con người. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta thích siêu âm bao nhiêu và lúc nào cũng được, nhất là các “bà bầu”.
Tuy vậy, siêu âm không có giá trị chẩn đoán 100%. Nhiều khi hình ảnh siêu âm không thể nói lên chức năng bên trong của các cơ quan mà siêu âm quan sát được. Ví dụ như siêu âm có thể mô tả được hình ảnh gan, thận, buồng trứng, tử cung bình thường hoặc hình dạng bên ngoài bình thường của một thai nhi nhưng không thể chẩn đoán được chức năng của thận, gan của thai nhi bình thường hay không hoặc không thể biết được thai nhi có những bệnh lý về chuyển hóa không?...
Lúc đầu, khi mới phát hiện được sóng siêu âm và sản xuất ra máy siêu âm, người ta nghĩ rằng sóng siêu âm hoàn toàn vô hại cho thai nhi. Nhưng sau này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nếu siêu âm quá nhiều lần cùng các loại siêu âm 3, 4 và ngay cả 2 chiều, với sự tích tụ nhiệt, năng lượng cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Vậy, khi nào cần siêu âm và siêu âm loại nào?
- Trong 3 tháng đầu, mẹ nên siêu âm 1 lần để chẩn đoán tuổi thai, từ đó tính ngày dự sinh. Siêu âm lần đầu còn để xem thai nhi là một thai hay đa thai và để kiểm tra thai có ở ngoài tử cung hay không.
- Khi thai được 11 - 12 tuần 6 ngày, siêu âm 1 lần để đo độ mờ da gáy, phát hiện một số bất thường thai nhi sớm.
- Siêu âm 4 chiều để khảo sát hình thể thai nhi khi thai 21 - 22 tuần.
- Vào lúc thai 30 - 31 tuần, siêu âm để xem vị trí nhau bám, phát hiện nhau tiền đạo.
- Khi bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, có thể siêu âm vào lúc thai được 36 - 37 tuần để đánh giá trọng lượng thai nhi, xem thai có phát triển tốt và có bị suy dinh dưỡng hay không, đồng thời đo chỉ số nước ối.
- Vào tháng cuối thai kỳ, mẹ cần siêu âm 1 lần, khi chuyển dạ siêu âm 1 lần nữa.
Như vậy, tổng số lần siêu âm là 6 - 7 lần. Ngoài ra, mẹ có thể được siêu âm thêm nếu bác sĩ nghi ngờ thai nhi hoặc phần phụ của thai (bánh nhau, dây rốn, nước ối…) có bất thường.
Nhiều mẹ nghiện siêu âm, siêu âm hằng tuần, hằng tháng,… nhưng kết quả cũng không được khả quan. Có mẹ khi thai mới được 9 - 10 tuần đã yêu cầu siêu âm màu 3, 4 chiều, hoặc khi thai đã lớn trên 30 tuần vẫn “đòi” siêu âm 3, 4 chiều. Mẹ nên nhớ rằng, tùy thuộc vào sự phát triển của thai nhi ở từng thời điểm mà các loại siêu âm có giá trị riêng khác nhau. Ví dụ như không thể khảo sát hết hình thể thai nhi bằng siêu âm 4 chiều khi thai còn quá nhỏ, dưới 20 tuần…, cũng như không thể đo độ mờ da gáy khi thai dưới 10 tuần hoặc độ mờ da gáy không còn giá trị chẩn đoán khi thai trên 13 tuần… Có mẹ mong muốn biết giới tính của con nên siêu âm hoài, mặc dù rất khó nhìn thấy khi tư thế nằm của bé đã che đi vùng kín hoặc giới tính sẽ sai khi bộ phận sinh dục của bé còn quá nhỏ, chưa phát triển đầy đủ…
Vì thế, mẹ không nên “nghiện siêu âm” vì siêu âm không theo chỉ định của bác sĩ sẽ tốn tiền, không cần thiết, mất thời gian và có thể bất lợi cho bé nữa.
TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)