Khi mang thai, bà bầu thường rất quan tâm đến việc ăn uống. Với quan niệm cần ăn cho thêm một người cũng như mong muốn bé mạnh khỏe, thông minh và mẹ có đầy đủ sức khỏe cho việc mang thai và sinh nở, rất nhiều mẹ đã tẩm bổ “quá đà”.
Ảnh hướng đến cả mẹ và con
Khi dinh dưỡng quá mức, mẹ sẽ tăng cân nhanh và nhiều, quá mức cho phép. Thừa cân, béo phì là yếu tố thuận lợi cho bệnh lý tiểu đường trong thai kỳ xảy ra. Bệnh này làm sức khỏe mẹ không tốt dù thừa cân, dễ bị cao huyết áp, co giật, sinh non hay thai chết lưu. Khi có tiểu đường thai kỳ, bà bầu cần điều chỉnh chế độ ăn uống, không để tăng cân quá nhanh. Tăng cân quá nhiều trong lúc mang thai còn làm cho việc trở lại cân nặng, vóc dáng bình thường sau sinh sẽ khó hơn nhiều. Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ, việc tăng cân nhanh, nhiều dễ làm xuất hiện các vết rạn vùng bụng và đùi hơn.
Dinh dưỡng mẹ quá mức thường làm bé to con, dễ quá khổ so với khung chậu mẹ, gây khó sinh thường, hoặc sẽ dễ gây tổn thương cho bé như gãy xương đòn, gãy xương cánh tay, liệt thần kinh tay, dãn đốt sống cổ… khi cố gắng sinh thường. Bé sinh mổ thường có hệ miễn dịch yếu ớt hơn bé sinh thường, dễ bị các bệnh vặt trong khoảng 1 - 5 tuổi. Chưa kể việc sinh mổ sẽ làm tăng thêm các khả năng bệnh tật cho mẹ, làm mẹ mất máu nhiều khi sinh, dễ bị băng huyết. Bé to con trong khung cảnh mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường yếu ớt, dễ bị hạ đường huyết trong khoảng sơ sinh, mà nếu không phát hiện kịp có thể nguy hại đến tính mạng.
Ăn sao cho hợp lý?
Dinh dưỡng quá mức mà mất cân bằng trong bữa ăn: quá mặn, quá ngọt, quá nhiều chất béo đều có khả năng dẫn đến các bệnh lý của mẹ (cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…); chưa kể có khi còn làm giảm khẩu vị, và chắc chắn là “hầu bao” cũng bị thâm thủng.
Vì vậy, bà bầu cần tăng thêm chủ yếu về chất lượng bữa ăn, sao cho tăng thêm khoảng 1/3 so với bình thường là đủ; nên gia tăng số bữa ăn (ăn thêm bữa phụ) nhưng giảm lượng của từng bữa (ăn ít trong từng bữa) nhằm tránh việc đưa vào cơ thể một lượng lớn thức ăn gây quá tải cho việc chuyển hóa.
Việc dùng sữa trong lúc mang thai là hữu ích vì sữa có rất nhiều canxi, là chất mà cả mẹ và bé đều rất cần. Tuy nhiên, sữa cũng có rất nhiều năng lượng, do đó, khi đã thêm sữa thì nên xem lại các bữa ăn có dư năng lượng hay không.
Chị em cũng nên theo dõi việc tăng cân trong thai kỳ, vì đây là phản ảnh của chế độ dinh dưỡng. Tăng cân trong thai kỳ nên lưu ý tăng đều đặn, khoảng 8 - 12 kg trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, mức cân cần tăng còn tùy thuộc vào trọng lượng trước lúc mang thai, nếu đã dư cân, béo phì thì chỉ cần 6 - 10 kg là đủ.
ThS.BS. Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương, TP.HCM