Khi mang thai, bà bầu nào cũng mong muốn thai kỳ suôn sẻ, em bé khỏe mạnh, sinh đủ ngày đủ tháng. Tuy nhiên, không phải tất cả thai kỳ đều kết thúc tốt đẹp. Vì vậy, vấn đề “dưỡng thai” là một yêu cầu chính đáng và cần thiết. Nhưng dưỡng thai bằng thuốc thì sao?
Thuốc dưỡng thai có 2 loại: Loại cung cấp các chất cần thiết để thai phát triển tốt và ngăn ngừa một số bệnh lý do thiếu vi chất; loại dự phòng và điều trị các trường hợp động thai, dọa hư thai hoặc dọa sinh non…
Loại cung cấp các vi chất và sinh tố
Ngoài các chất đạm, đường, béo thì vi chất và các vitamin rất cần thiết cho cả mẹ và em bé trong thai kỳ. Thiếu vi chất sẽ có những hậu quả khá nặng nề và phổ biến cho cả hai mẹ con.
- Nếu thiếu sắt, mẹ sẽ bị thiếu máu, dễ gặp tai biến khi sinh, sau sinh, mẹ dễ suy nhược cơ thể, rụng tóc và hư răng. Những bà mẹ thiếu sắt sẽ có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân…
- Nếu thiếu axit folic thì em bé sẽ có nguy cơ dị tật hay khiếm khuyết ống thần kinh (bệnh gai đôi cột sống hay nứt cột sống, thai không sọ...). Vì vậy, mẹ cần phải bổ sung sắt ngay từ trước khi mang thai hoặc khi vừa chớm có thai đến khi sinh được 1 tháng.
- Nếu thiếu i-ốt, mẹ dễ bị sảy thai, bé dễ bị sinh non, sinh thiếu tháng, nhẹ cân, dị dạng, chậm phát triển thần kinh.
- Nếu thiếu B6, mẹ sẽ thường bị nôn ói, có cảm giác buồn nôn.
- Thiếu canxi, mẹ dễ bị loãng xương, sâu răng; bé sinh ra sẽ thiếu máu, còi xương.
Các vi chất này nếu chỉ được lấy từ nguồn thức ăn hằng ngày sẽ không đủ, bởi một số vi chất bị tiêu hủy, biến chất khi cất trữ, chế biến và nấu nướng. Vì vậy, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Dinh dưỡng khuyến cáo các bà mẹ mang thai nên bổ sung vi chất bằng các dạng thuốc bào chế như viên canxi, viên sắt, viên axit folic… Ngoài ra, mỗi ngày, mẹ có thể uống 1 viên đa sinh tố.
Loại dự phòng hoặc điều trị dọa hư thai hoặc dọa sinh non
Một số trường hợp mẹ có tiền căn sảy thai liên tiếp, hư thai, sinh non hoặc một số mẹ có cơ địa hoặc thai kỳ có nguy cơ sinh non, tử cung bất thường, tử cung đôi, tử cung có vách ngăn, suy hoàng thể thai kỳ sớm (khiến niêm mạc tử cung không trưởng thành tốt, gây bất lợi cho sự làm tổ của trứng và làm tử cung co bóp nhiều), hở eo tử cung, đa thai, nhau tiền đạo, tiền sản giật, bệnh tim mạch… cần phải sử dụng các thuốc dưỡng thai để chống các cơn co tử cung… Tuy nhiên, các thuốc này phải được kê toa từ các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, mẹ không nên tự ý sử dụng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam… được quảng cáo là có công dụng dưỡng thai. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên sử dụng tùy tiện nhé! Khi dưỡng thai bằng bất cứ cách nào, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ