Giai đoạn gần đến ngày sinh là lúc căng thẳng nhất của các cặp vợ chồng. Sau 9 tháng 10 ngày chờ đợi, đây là lúc gần đến đích, vừa mệt mỏi, vừa lo lắng vì không biết mẹ con sẽ ra sao. Với các bà mẹ trẻ mới sinh lần đầu, họ còn lo không biết cơn đau chuyển dạ thế nào mà sao mọi người thường ví von “đau như đau đẻ”.
Ra nhớt hồng vùng kín
Nhớt trắng lẫn máu hồng, hay được so sánh giống như máu cá, nhựa chuối. Đây là dấu hiệu báo nút chất nhờn ở cổ tử cung đã bong ra và cổ tử cung bắt đầu có thay đổi để mở cửa, chuẩn bị cho bé. Dấu hiệu này thường xuất hiện sớm và kéo dài, có khi 2-3 ngày sau mới có chuyển dạ. Khi thai phụ được khám vùng kín bằng tay trong những ngày cuối, cũng có khi thấy ra ít máu giống vậy. Do đó, khi thấy dấu hiệu này “cứ từ từ, không phải vội” vào bệnh viện.
Ra nước vùng kín
Nước giống nước tiểu, trắng đục, mùi tanh, ướt cả đồ lót. Có dấu này thì nên đến bệnh viện ngay, đừng chần chừ vì túi ối đã vỡ, cần thúc đẩy cuộc chuyển dạ chứ không nên chậm trễ.
Đau lăn tăn vùng bụng
Cơn đau của chuyển dạ là tình trạng đau thành từng cơn, kèm bụng thấy gò cứng. Cơn đau lúc đầu nhẹ nhàng, thưa và ngắn, sau đó đều dần, tăng dần mức độ đau và thời gian đau, thời gian nghỉ giữa cơn đau cũng ngắn lại. Khi thấy mỗi năm phút đều có cơn đau thì nên vào bệnh viện.
Lưu ý:
- Khi thai chưa đủ ngày mà đã có các dấu hiệu trên cũng nên đi bệnh viện vì có khả năng thai sinh non.
- Ngoài các dấu hiệu kể trên, khi thấy người mệt mỏi “muốn xỉu”, nhức đầu, hoa mắt kèm nhìn mờ, nếu đo được có huyết áp hơn 140/90mmHg, sốt cao… thì cũng nên đến bệnh viện ngay dù chưa đau bụng hay chưa tới ngày sinh.
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương