Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sinh non, em bé có thể chết lưu trong bụng mẹ hoặc sinh ra nhẹ cân. Nhiễm khuẩn niệu làm tăng 50% nguy cơ trẻ nhẹ cân và sinh non, mẹ bị tiền sản giật và sản giật.
Tại sao khi có thai, bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, đường tiết niệu?
Trong thai kỳ, vi khuẩn sẽ tăng trưởng dễ dàng do nồng độ các chất dinh dưỡng, các axit amin cũng như các vitamin trong nước tiểu gia tăng, tạo điều kiện cho nhiễm trùng tiểu. Dòng nước tiểu chậm lại do hệ thống ống của đường tiểu dãn nở. Sự dãn nở này có thể do yếu tố cơ học như sự chèn ép của tử cung to lên khi mang thai và dưới tác dụng của nội tiết tố progesteron gia tăng khi mang thai. Ngoài ra, khi mang thai, sức đề kháng của cơ thể giảm, khiến bạn dễ nhiễm khuẩn hơn.
Triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Khi bắt đầu mang thai hoặc khi có các triệu chứng bất thường ở đường tiết niệu (tiểu rát, tiểu buốt, tiểu nhiều lần…) trong quá trình mang thai, chị em nên đi khám bác sĩ để được xét nghiệm nước tiểu. Các bác sĩ sẽ phân tích, nếu có tiểu máu vi thể, nước tiểu có nhiều cầu hay mủ hoặc du khuẩn niệu là có nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ngoài ra, các bác sĩ có thể cấy nước tiểu một tháng một lần cho những bà mẹ có tiền căn viêm đài bể thận trong thai kỳ để theo dõi.
Cách điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nếu có các triệu chứng bất thường về đường tiết niệu, bạn phải đến các cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc. Nguyên tắc điều trị là sử dụng kháng sinh liều cao, có thể bằng đường tiêm và chuyển sang đường uống khi bệnh thuyên giảm. Ngoài việc sử dụng kháng sinh, bạn sẽ được điều trị giảm đau, hạ sốt, chống viêm, nâng sức đề kháng cơ thể và dự phòng biến chứng, trong đó có biến chứng sảy thai, sinh non tháng, tiền sản giật… Trong thời gian điều trị, bạn nên uống nhiều nước và không được nhịn, nín tiểu.
Dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong thai kỳ
Bạn nên uống nhiều nước, không nhịn, nín tiểu, giữ gìn vệ sinh vùng kín. Khám thai và thử nước tiểu mỗi lần đi khám hoặc ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như tiểu rát, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, đau bụng khi đi tiểu… cũng cần thiết để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
TS.BS. Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)