Khi mang thai, nếu bị bệnh, đặc biệt là cảm cúm, chắc bạn rất lo lắng không biết thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Khi mắc các dạng cảm cúm thông thường do thay đổi thời tiết, thường có nóng sốt, ho, sổ mũi…, bà bầu vẫn có thể dùng các loại hạ sốt, giảm ho, giảm tiết… với một điều kiện duy nhất, đó là xác định đúng là nóng sốt của cảm cúm. Tuy nhiên, bà bầu vẫn cần phải theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của mình. Người bệnh cảm thông thường sẽ tự khỏi trong vài ngày – dù có thuốc hay không; nhưng nếu là bệnh nhiễm trùng khác, nóng sốt sẽ tái lặp lại ngay sau hết thời hạn hiệu lực của thuốc (từ 3 - 4 giờ).
Để tránh được những bệnh hắt hơi, sổ mũi trong lúc mang thai, bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều khoáng chất và vitamin, ngủ đủ giấc, nghỉ dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể; tránh di chuyển nhiều hay tiếp xúc ở chỗ đông người (là cơ hội tiếp xúc với những người bệnh hoặc đang ủ bệnh); tránh việc thay đổi thời tiết đột ngột và thường xuyên (như đi ra, vào phòng máy lạnh hoặc vùng bên ngoài nắng nóng). Chú ý tiêm phòng bệnh cúm trước khi mang thai vì mắc cúm lúc mang thai, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ có thể ảnh hưởng đến đến thai nhi (chiếm tỷ lệ nhỏ); tình trạng sốt cao cũng không tốt cho thai nhi.
ThS. BS Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương, TP.HCM