Theo thống kê của bệnh viện Từ Dũ, hằng năm, có 60-70% phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo do nấm. Viêm âm đạo do nấm có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Số liệu thống kê cho thấy, ở tam cá nguyệt I là 33%, tam cá nguyệt II là 40% và tam cá nguyệt III là 27%.
Khi mang thai, bà bầu có nhiều thay đổi về mặt giải phẫu, sinh lý thần kinh và nội tiết nên dễ bị viêm nhiễm đường sinh dục hơn so với khi không mang thai. Trong các bệnh viêm nhiễm thì viêm âm đạo do nấm là thường gặp nhất.
Khi mang thai, bà bầu rất dễ bị viêm nhiễm đường sinh dục (Ảnh minh họa.)
Môi trường âm đạo có pH hơi axit, đó là do các vi khuẩn có lợi thường trực trong âm đạo biến đổi thành axit lactic. Đây chính là vũ khí có hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật có hại đang nằm gần hoặc có sẵn trong âm đạo.
Khi mang thai, do sự gia tăng của nội tiết tố, đặc biệt là estrogen, làm cho môi trường âm đạo trở thành axit, đây chính là điều kiện tốt để nấm phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, nếu bà bầu giữ cho khu vực âm hộ, âm đạo luôn khô và thoáng thì sẽ tránh được viêm nhiễm âm đạo do nấm.
Để sớm nhận biết tình trạng viêm nhiễm do nấm, bà bầu không nên bỏ qua các dấu hiệu sau:
- Có khí hư màu trắng, nhiều thành từng mảng.
- Khí hư gây ngứa ngáy, ẩm ướt, khó chịu.
- Có thể kèm tiểu rát tiểu dắt, tiểu nhiều lần.
Khi thấy xuất hiện một trong ba dấu hiệu trên, bà bầu cần đến bác sĩ sản khoa để được tư vấn điều trị, tránh để tình trạng kéo dài vì hậu quả của viêm âm đạo do nấm rất nguy hiểm. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy bà bầu khi mang thai bị viêm âm đạo do nấm có thể có những nguy cơ sau:
- Sảy thai và sinh non.
- Sinh con nhẹ cân dù có thể sinh đủ ngày tháng.
- Bé sinh ra có tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao vì bị viêm phổi hoặc viêm đường ruột do nấm.
Tuy số thai phụ bị viêm âm đạo do nấm khá nhiều, nhưng nếu cần thận thì hoàn toàn có thể tránh được tình trạng viêm nhiễm này. Do đó, bà bầu cần lưu ý một số điểm sau:
- Giữ sạch và khô, thoáng vùng âm hộ, âm đạo bằng cách: Không rửa âm hộ âm đạo thường xuyên, không bơm thụt sâu âm đạo, không sử dụng thuốc sát trùng để rửa vùng kín.
- Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Tình dục an toàn, nhẹ nhàng, theo cách truyền thống, tránh quan hệ đường hậu môn.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh kéo dài.
- Đến cơ sở y tế để khám và điều trị khi có khí hư ngứa, nhiều và phải tuân thủ chế độ điều trị. Không nên tự điều trị vì nấm rất dễ tái phát nhiều lần trong một thai kỳ.
TS. BS Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM)