Đối với 1 thai kỳ bình thường, mẹ nên khám đầy đủ 7 lần, còn nếu mẹ có bệnh tim, cao huyết áp… thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn với nhịp độ khít hơn.
Vì sao nên khám thai?
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán có thai hay không? Mấy thai?
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán tuổi thai và tính ngày dự sinh. Từ cách tính của bác sĩ, mẹ có thể biết được em bé khi ra đời đủ tháng hay già tháng, nhất là có thể phát hiện được nếu thai bị suy dinh dưỡng trong tử cung.
- Bác sĩ sẽ phát hiện được những bệnh lý của mẹ kèm thai như tim sản, tiểu đường, cao huyết áp… từ đó tư vấn các việc làm có lợi nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý phụ khoa kèm thai như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ cách điều trị thích hợp.
Mẹ sẽ được khám những gì?
- Khám toàn diện: tim phổi, cân trọng lượng, đo huyết áp, khám gan lách…
- Khám phụ khoa: xem tình trạng viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, các khối u tiểu khung.
- Thực hiện các xét nghiệm như thử nước tiểu, thử máu…
- Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho siêu âm.
Trong 3 tháng giữa
Vì sao nên khám thai?
- Trong tuần lễ từ 15–19 của thai kỳ, những dị tật của em bé trong bụng được chẩn đoán tương đối rõ ràng.
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của mẹ, phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung, từ đó có chế độ dinh dưỡng hoặc cách chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ. Đối với những thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng của mẹ với bệnh lý, từ đó có chế độ điều trị thích hợp.
- Đây cũng là thời điểm thích hợp để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa (khâu vòng cổ tử cung nếu mẹ bị hở eo cổ tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng nếu mẹ có khối u buồng trứng…) mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé hoặc không gây sinh non.
Mẹ sẽ được khám những gì?
- Cân trọng lượng, đo huyết áp.
- Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.
- Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
- Thử máu, thử nước tiểu.
Trong 3 tháng cuối
Vì sao nên khám thai?
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng của em bé và khung chậu của mẹ… từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới là dễ hay khó, có những nguy cơ nào…
- Bác sĩ có thể phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao và từ đó cho nhập viện trước ngày dự sinh.
- Bác sĩ cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ…
- Bác sĩ sẽ quyết định cơ sở y tế nào mẹ nên đến sinh, như tuyến xã, quận huyện hay tuyến tỉnh, thành phố, trung ương…
Mẹ sẽ được khám những gì?
- Cân trọng lượng, đo huyết áp.
- Đo bề cao tử cung, nghe tim thai
- Tiêm ngừa hỗ trợ phổi cho bé (tuần 28) và siêu âm doppler để kiểm tra động mạch não của bé (tuần 31- 33). Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
- Thử máu, thử nước tiểu.
TS. BS Huỳnh Thị Thu Thủy,
Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM)