Thông thường, chúng ta vẫn nghĩ rằng: bé suy dinh dưỡng sẽ ốm nhom, gầy còm,… Nhưng thực tế, có những bé bụ bẫm, mập mạp mà vẫn được bác sĩ chẩn đoán là suy dinh dưỡng, vì đó là một trong những triệu chứng của bệnh Kwashiorkor – bệnh suy dinh dưỡng thể phù.
Bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở bé dưới 5 tuổi. Triệu chứng “mập” làm mẹ nhầm tưởng là con “khỏe” nhưng thực tế là bé mập do phù! Bé luôn thấy mệt mỏi, lờ đờ, không hoạt động, xương không phát triển, chán ăn…
Nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ ăn không cân đối giữa các chất dinh dưỡng: nhiều chất bột đường, quá ít chất đạm, thiếu năng lượng dẫn đến thiếu vitamin, thiếu muối khoáng… trong thời gian dài.
Ảnh minh họa.
Để bé phát triển “không mập mà vẫn khoẻ”, mẹ hãy ghi nhớ 5 nguyên tắc dinh dưỡng dưới đây:
1. Nuôi duỡng bé từ trong bụng mẹ
Trong thời gian mang thai, mẹ phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cân từ 10-12 kg và phải khám thai định kỳ.
2. Cho bé bú mẹ
Chỉ có sữa mẹ là chất dinh dưỡng duy nhất thỏa mãn nhu cầu phát triển và phù hợp với sinh lý của cơ thể bé. Từ 0-6 tháng, cho bé:
- Bú mẹ hoàn toàn, không cần uống thêm bất kể nước gì hay thức uống gì ngoài sữa mẹ, kể cả nước lọc.
- Bú mẹ càng nhiều càng tốt, ít nhất 8 lần/ ngày đêm.
- Cho bé bú mẹ đến 24 tháng tuổi; nếu không bú sữa mẹ thì chọn loại sữa phù hợp với lứa tuổi của bé.
- Trong trường hợp mẹ không có sữa, hoặc bị bệnh nặng không cho con bú được thì chỉ cho bé uống sữa công thức 1, là loại sữa dành cho bé < 6 tháng; pha theo hướng dẫn ghi trên hộp sữa.
3. Ăn dặm đúng cách và chế độ ăn hợp lý
- Nếu bé đang bú mẹ, mẹ không phải đi làm và có nhiều sữa; bé lên cân > 500g/tháng, có thể cho bé ăn dặm lúc bé được 6 tháng. Nếu bé bú mẹ nhưng lên cân < 500g/tháng hoặc bú bình thì nên cho bé ăn dặm khi bé tròn 4 tháng.
- Không cho bé ăn cơm trước khi bé mọc răng hàm (khoảng 2 tuổi). Thức ăn chính của bé trong giai đoạn từ 6 – 24 tháng là sữa, bột hoặc cháo.
- Một bát bột hoặc cháo của bé phải có đầy đủ chất dinh dưỡng: 1 muỗng thịt băm (hoặc cá, tàu hũ, tôm...), 1 muỗng rau xanh, 1 muỗng dầu ăn hoặc mỡ.
- Số lượng thức ăn một ngày cho bé, trung bình như sau:
Loại thức ăn | 6-9 tháng | 9-12 tháng | 12-24 tháng |
Sữa | Sữa mẹ hoặc 700 ml sữa công thức 2 (sữa dành cho bé 6-12 tháng) | Sữa mẹ hoặc 600 ml sữa công thức 2 | Sữa mẹ hoặc 300 ml sữa tươi hoặc sữa dành cho bé > 1 tuổi |
Bột (cháo) đủ dinh dưỡng | 3 bát (200 ml/bát) | 4 bát | 5 bát |
4. Duy trì uống sữa và ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn
- Dù bé đã “lớn”, đã ăn được thức ăn cứng, đã hơn 2 tuổi, đã đến tuổi đi học… vẫn nên cho bé uống sữa hoặc các thức ăn làm từ sữa.
- Bữa ăn của bé luôn đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường: gạo, mì, nui…; đạm: thịt, cá trứng, đậu hũ…; vitamin và muối khoáng: rau, quả; chất béo: dầu ăn, bơ, mỡ…).
5. Theo dõi sức khỏe của bé
Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bé thường xuyên, nếu bé không tăng cân hoặc tăng cân quá mức, mẹ cần đưa bé đi khám dinh dưỡng để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
CN Tôn Nữ Thu Trang
Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)