Ngũ Cốc Quan Trọng Nhưng Lại Không Cần Thiết Trong Những Tháng Đầu Đời Của Bé. Ngũ Cốc Giàu Chất Dinh Dưỡng Nhưng Ăn Thiếu Hay Thừa Đều Có Thể Gây Nên Tình Trạng Suy Dinh Dưỡng Hoặc Béo Phì. Vậy Khi Nào Cho Bé Ăn Ngũ Cốc Và Ăn Bao Nhiêu Là Hợp Lý?
Ngũ cốc là những thực phẩm giàu chất bột đường như gạo, bắp (ngô), bột mì, kê… và cũng là “lương thực” trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Nó cung cấp 1/2 tổng số nhu cầu năng lượng/ngày, 1/3 nhu cầu chất đạm/ngày, một số vitamin và chất khoáng như vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin K, can-xi, phốt-pho, sắt… cho cơ thể.
Cha mẹ chỉ nên tập cho bé làm quen với ngũ cốc vào tháng thứ 6, khi hệ tiêu hóa của bé dần hoàn thiện, bắt đầu có khả năng tiêu hóa được tinh bột và các thực phẩm khác ngoài sữa. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y tế, năng lượng cung cấp từ chất bột đường chiếm 45-65% tùy theo lứa tuổi. Gạo là một loại ngũ cốc cung cấp hầu hết nhu cầu chất bột đường trong bữa ăn của người Việt Nam. Lượng gạo trung bình cần có trong một ngày cho các bé như sau:
Tuổi | 6-9 tháng | 9-12 tháng | 12-24 tháng | 2-3 tuổi | 3-5 tuổi |
Số lượng gạo (g) | 60-90 | 90-120 | 120-150 | 150-180 | 180-220 |
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của bé, cha có thể thay một phần gạo bằng các loại thực phẩm khác cùng nhóm ngũ cốc cho phù hợp với sự phát triển sinh lý, khẩu vị của từng bé, ví dụ:
- Từ 6 - 24 tháng: Bé chưa mọc răng hàm nên cần ăn mềm; bé thường ăn bột, cháo nên loại ngũ cốc trong giai đoạn này chủ yếu là gạo (nấu cháo hoặc gạo xay thành bột để nấu cho bé).
- Từ 2 - 3 tuổi: Bé đã ăn được chế độ ăn cứng hơn, nên ngoài gạo, bé có thể ăn một ít bột mì (bánh mì, hoành thánh...)
- Từ 3 tuổi trở đi: Bé có thể ăn như người lớn nên ngoài cơm, bé có thể ăn bánh mì, hủ tiếu, bún, bắp (ngô) luộc, kê…
Khi thay thế gạo bằng các loại thực phẩm khác, cha mẹ cần biết: 50g gạo có thể thay bằng 70g bánh mì, hoặc 1 bắp ngô luộc (nặng khoảng 300g), hoặc 120g bánh phở (nui luộc), hoặc 150g bún, hoặc 50g hạt kê... Ví dụ: Lượng gạo cần cho 1 ngày của bé là 150g (tương đương 3 chén cơm hoặc 5 chén cháo đặc). Bé có thể ăn 3 chén cơm, hoặc 5 chén cháo, hoặc 2 chén cơm và 1 trái bắp, hoặc 2 chén cơm và 1 tô phở có 120g bánh phở...
Trong bữa ăn hằng ngày của bé, ngũ cốc cần được cân đối hợp lý cùng với các thực phẩm thuộc nhóm giàu đạm (thịt, cá, trứng…), thực phẩm nhóm giàu chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và thực phẩm cung cấp vitamin muối khoáng (rau quả). Bé sẽ khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần nếu có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
CN Tôn Nữ Thu Trang
Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, BVNhi đồng 1, TP.HCM