Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh an toàn và dễ làm nhất. Ở nước ta, hiện đã có rất nhiều loại vắc-xin phòng bệnh cho bé.
Lao: Bệnh lao ở trẻ em đã giảm đáng kể so với những thập niên trước đây. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV/AIDS ở trẻ em ngày càng gia tăng là một nguy cơ tiềm ẩn để bệnh lao quay lại và bùng phát ở trẻ em. Tiêm ngừa BCG giúp phòng các thể lao nặng ở trẻ em như lao kê, lao màng não.
Bạch hầu-ho gà-uốn ván: Đây là 3 bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong giảm đáng kể trong những thập niên gần đây nhờ thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bệnh bại liệt: Ở nước ta bệnh bại liệt đã được loại trừ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ở một số nước trong khu vực, thỉnh thoảng phát hiện một vài trường hợp mới. Vì vậy, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn phải tiếp tục được chủng ngừa vắc xin bại liệt để phòng ngừa bệnh bại liệt quay trở lại.
Viêm gan siêu vi B: Viêm gan siêu vi B là một bệnh do siêu vi trùng gây ra. Bệnh biểu hiện bằng sốt, vàng da, vàng mắt tiểu vàng. Điểm nguy hiểm của bệnh này là trong 100 người bị nhiễm bệnh chỉ có 10 người là biểu hiện ra bệnh với các triệu chứng như trên. Số còn lại không biểu hiện ra bệnh nhưng có thể diễn tiến theo hai hướng:
- Đa số có sức đề kháng tốt và vượt qua, lúc này cơ thể sẽ có kháng thể chống lại vi rút viêm gan B – “tự chích ngừa”
- Một số ít âm thầm diễn tiến đến xơ gan, ung thư gan ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, những trường hợp nhiễm viêm gan siêu vi B nên kiểm tra định kỳ mỗi 3-6 tháng để biết có chuyển sang giai đoạn mạn tính hay không?
- Trong khu vực châu Á, có nơi tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B lên đến 60%. Bệnh lây truyền qua đường máu và các dịch tiết trong cơ thể. Cách phòng bệnh hữu hiệu hiện nay là tiêm ngừa vắc xin càng sớm càng tốt. Ở trẻ em, không cần xét nghiệm kiểm tra xem có nhiễm vi rút viêm gan B trước khi tiêm ngừa vì nếu trẻ đã nhiễm thì vắc xin cũng không làm bệnh nặng hơn.
Bệnh sởi: Đây là bệnh do siêu vi trùng gây ra, biểu hiện bằng các triệu chứng sau: Sốt, phát ban toàn thân và kèm theo một hay nhiều hơn các triệu chứng sau: ho, sỗ mũi nước và mắt đỏ. Dấu hiệu ban toàn thân trong bệnh sởi có những đặc điểm sau: Khởi đầu ở sau tai, sau đó lên mặt, xuống cổ, lưng, bụng và tay, chân. Khi ban lặn để lại những vết thâm trên da được gọi là vết hằn da hổ, và bong tróc nhẹ. Đặc điểm này giúp phân biệt giữa ban sởi và các ban khác. Lưu ý: một trẻ từ nhỏ đến lớn có thể bị nổi ban nhiều lần nhưng nếu đúng là ban sởi thì chỉ bị một lần mà thôi.
Ở nước ta, do bệnh sởi còn phổ biến nên thời điểm tiêm vắc xin sởi là 9 tháng tuổi thay vì 15 tháng tuổi như các nước tiên tiến. Vì vậy, ở một số ít trẻ, hiệu quả vắc xin không đạt tối ưu do còn kháng thể từ mẹ truyền sang (kháng thể này sẽ trung hòa một phần kháng nguyên trong vắc-xin). Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, chương trình tiêm chủng quốc gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại một mũi nữa khi các cháu ở độ tuổi đến trường.
Bệnh rubella: Còn gọi là bệnh ban đào hay bệnh sởi của người Đức. Bệnh biểu hiện bởi các triệu chứng là sốt và phát ban toàn thân. Trẻ em mắc bệnh thường tự khỏi trong vòng một tuần mà không để lại di chứng. Phụ nữ mắc bệnh giai đoạn mang thai rất nguy hiểm vì con sinh ra có thể mắc bệnh rubella bẩm sinh để lại những di chứng nặng nề, là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Bệnh quai bị: Bệnh do vi-rút gây ra, lây lan qua đường hô hấp và thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng to tuyến nước bọt như tuyến mang tai, tuyến dưới hàm làm cho cổ của bệnh nhân sưng to. Bệnh thường chỉ được điều trị triệu chứng và sẽ hết trong vòng một tuần, ít để lại di chứng. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị là viêm não, viêm cơ tim và vô sinh do viêm xơ teo tinh hoàn ở bé trai.
Viêm màng não mủ do Hemophilus influenzae typ B (HiB): Bệnh viêm màng não ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân gây ra như vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng và nấm. Những vi trùng hay gặp trong bệnh viêm màng não ở trẻ em là Hib, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, não mô cầu, Klebsiella, vi khuẩn đường ruột và các vi trùng khác. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ có vắc-xin phòng bệnh viêm màng não do Hib và não mô cầu. Vắc-xin phế cầu khuẩn loại conjugate – loại có hiệu quả ở trẻ em hiện nay chưa thấy xuất hiện trên thị trường Việt Nam.
Viêm não Nhật Bản: Bệnh viêm não Nhật Bản do vi rút gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Sau 3-4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê. Khoảng 20% số trường hợp có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Bệnh không có điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị nâng đỡ. Tiêm chủng là cách quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh.
Trái rạ (thủy đậu): Bệnh do siêu vi trùng Varicella zoster, thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây sốt phát ban có bóng nước ngứa toàn thân. Bệnh rất dễ lây lan trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học. Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, viêm não, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang. Hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng vắc xin để phòng bệnh trái rạ cho trẻ từ 12 tháng trở lên.
Viêm gan siêu vi A: Đây là bệnh nhiễm trùng ở gan do vi rút gây ra. Khác với viêm gan siêu vi B, đường lây của viêm gan siêu vi A là đường tiêu hóa qua ăn thức ăn, đồ uống, tiếp xúc với vật có nhiễm phân của người bệnh. Vi rút gây bệnh viêm gan cấp với sốt, mệt, chán ăn, nôn, vàng da.
Cúm: Bệnh do vi-rút Influenza gây ra, lây lan qua đường hô hấp và lưu hành toàn thế giới. Bệnh gây tình trạng nhiễm vi-rút hô hấp cấp tính với các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau cơ, đau họng. Hiện nay có thể ngừa cúm cổ điển ở người bằng cách tiêm vắc xin hàng năm. Riêng các loại cúm biến thể như cúm A-H1N1 hay cúm gia cầm H5N1 hiện vẫn chưa có vắc-xin ngừa bệnh.
Viêm màng não do não mô cầu: Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu gồm các týp A, B, C, Y và W135. Vi khuẩn lây truyền từ người sang người qua những giọt nhỏ khi ho, hắt hơi. Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu nhiều, sốt, buồn nôn, nôn, cổ cứng, nổi ban xuất huyết. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ở trẻ em, tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị. Hiện có vắc xin phòng bệnh đối với týp A, C. Vắc-xin không có hiệu quả nhiều ở trẻ nhỏ nên bắt đầu tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Thương hàn: Thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh biểu hiện bằng sốt cao, tiêu lỏng, bụng chướng. Biến chứng nguy hiểm thường gặp là xuất huyết tiêu hóa. Phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, chủ động và có hiệu quả là tiêm vắc-xin.
Viêm dạ dày ruột do Rotavirus: Rotavirus là một loại siêu vi trùng gây ra bệnh viêm dạ dày - ruột với triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, ngoài ra trẻ có thể sốt và nôn mửa. Bệnh rất thường gặp ở trẻ từ 3 – 24 tháng tuổi. Đây là tác nhân thường gặp nhất gây ra tiêu chảy và ói mửa nặng ở trẻ em trên toàn thế giới. Vắc-xin phòng bệnh dạng uống sử dụng liều đầu cho trẻ từ 2 – 5 tháng tuổi.
Tả: Là bệnh truyền nhiễm có thể lây lan thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do thực phẩm, nước uống mang mầm bệnh. Triệu chứng chính của bệnh là nôn và tiêu chảy. Để phòng bệnh, nên sử dụng nguồn nước vệ sinh, làm sạch môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Vắc-xin tả thường được cho uống theo chiến dịch và trước mùa dịch hàng năm.
Bệnh do nhiễm siêu vi Human Papiloma virus: Tác nhân gây bệnh là Human papilomavirus (HPV). Nhiễm HPV 6, 11 có thể gây mụn cóc, u nhú hô hấp. Nhiễm HPV týp 16, 18 có thể gây sang thương biểu mô, tiến triển đến ung thư cổ tử cung. Độ tuổi chích ngừa từ 9-26 tuổi.
Theo BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)