Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do vậy, việc chăm sóc đúng cách bé mắc bệnh SXH tại nhà cần hết sức được chú trọng.
Khi nào được chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2009, bệnh sốt xuất huyết (SXH) gồm 3 phân độ lâm sàng:
- Phân độ 1: SXH Dengue.
- Phân độ 2: SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
- Phân độ 3: SXH Dengue nặng.
Việc xử trí và điều trị SXH tùy thuộc từng phân độ lâm sàng theo phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh sốt xuất huyết” do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, bé nếu được chẩn đoán là bị SXH Dengue, hầu hết đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà.
Chăm sóc bé mắc SXH tại nhà
Việc chăm sóc đúng cách bé mắc SXH tại nhà giúp bé mau lành bệnh. Việc làm này cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
Hạ sốt đúng cách cho bé
Khi bé sốt cao ≥ 380C, cha mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu bé sốt, mặc mặc quần áo thoáng mát để dễ thoát nhiệt. Bé cần được lau mát bằng nước ấm khi bé sốt cao ≥ 39,50C kèm khó chịu hoặc co giật. Bé sốt cao nhưng vẫn chơi, tỉnh táo, không cần lau mát.
Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho bé
- Thức ăn: Bé bị SXH sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường và do tình trạng bệnh nên bé mệt mỏi và biếng ăn. Vì vậy, cha mẹ nên chọn những thức ăn bé thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem. Cho bé ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Không dùng thức ăn, nước uống có màu đỏ, hồng, đen… tránh nhầm lẫn với máu.
- Nước uống: Lượng nước cần cung cấp cho bé bị SXH cũng nhiều hơn lúc không bệnh. Loại nước thích hợp là nước lọc, nước sôi nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước canh, nước cháo… và khuyến cáo bé nên uống dung dịch oresol, vì những loại nước này ngoài việc bù nước còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể, giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.
- Tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho bé nhập viện cấp cứu kịp thời
Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi bé hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6). Bé có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Tuyệt đối tránh những tác động không tốt như:
- Cạo gió, cắt lễ (vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho bé).
- Tự ý cho bé uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen (vì có thể gây chảy máu dạ dày).
- Cho bé ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (vì có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở bé).
- Cho bé SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện (vì nếu truyền dịch không đúng sẽ làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống bé).
BS.CK2. Nguyễn Minh Tiến
Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)