Lysine giúp chuyển hóa chất béo thành năng lượng cho cơ thể. Bé cũng cần lysine để có làn da khỏe mạnh, sụn và các mô cơ liên kết.
Ngoài ra, lysine giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích phát triển men tiêu hóa, giúp bé ăn ngon miệng và quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả. Quan trọng hơn nữa, lysine giúp hấp thu tốt canxi, bé sẽ có một hệ xương chắc khỏe, và có nhiều cơ hội đạt được chiều cao tối ưu nếu được bổ sung đủ lysine.
Khi thiếu lysine, bé sẽ biếng ăn, chậm lớn, da dẻ kém hồng, chậm tăng trưởng chiều cao và rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
Thực phẩm nào chứa lysine?
Các loại thực phẩm giàu chất đạm là nguồn cung cấp lysine dồi dào nhất. Trong đó, các loại thịt, cá, lòng đỏ trứng là những thực phẩm chứa nhiều lysine. Kế đến là các loại đậu, sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, bơ, phô mai…).
Trong khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam (đặc biệt ở vùng nông thôn), gạo, khoai, bắp (ngô),… chiếm 60-80% tổng năng lượng khẩu phần nên lysine thường không được cung cấp đủ. Lysine lại rất dễ bị phá hủy ở nhiệt độ cao khi đun nấu, do đó, tình trạng thiếu hụt lysine vẫn thường gặp ở trẻ em Việt Nam.
Làm sao để khắc phục tình trạng thiếu hụt lysine cho bé?
Cơ thể không thể tự tổng hợp được lysine, do đó, lysine được cung cấp chủ yếu từ các nguồn thực phẩm tự nhiên (thịt, cá, lòng đỏ trứng, sữa....).
Để bé nhận đủ lượng lysine cần thiết cho cơ thể, trong các bữa ăn hằng ngày, cần cho bé dùng đa dạng các loại thực phẩm thuộc nhóm đạm có nhiều lysine như đã kể trên. Thực phẩm được lựa chọn phải luôn tươi, sạch và khi chế biến cần lưu ý không đun nấu quá lâu ở nhiệt độ cao để tránh làm mất lysine.
Nếu bé biếng ăn, chậm tăng trưởng chiều cao, lại thường xuyên từ chối ăn thịt, cá, trứng, và ít uống sữa thì việc chọn lựa thực phẩm có bổ sung lysine là cần thiết, nhằm giúp bé ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng và tăng chiều cao tốt.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương
Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, TT Dinh dưỡng TP.HCM