Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm làm vi-rút phát triển mạnh. Để chống lại những vi-rút đó, hầu như phải dựa vào sức đề kháng của cơ thể. Như vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh cho bé trong mùa lạnh là tăng cường sức đề kháng cho bé với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Ảnh minh họa.
Nguồn dinh dưỡng tự nhiên
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể, rất tốt cho hệ miễn dịch của bé. Vì vậy, mẹ cần cho bé bú ít nhất trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18-24 tháng. Cho bé một chế độ ăn đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là các dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng như đạm (thịt, cá trứng, đậu hũ…), vitamin C (rau xanh và trái cây tươi), vitamin A (thịt, cá, gan, trứng,), chất sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, sò, thịt, cá …).
Đối với các bé có sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng… thì mẹ càng phải đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống giàu vi chất.
Bổ sung vitamin C
Vitamin C là loại vi chất giúp tăng sức đề kháng tốt nhất cho cơ thể. Vitamin C tuy có nhiều trong các loại rau xanh nhưng cũng dễ bị thất thoát qua quá trình lưu trữ, sơ chế, đun nấu... Vì vậy, hằng ngày, ngoài chế độ ăn đa dạng và cân đối, mẹ cần cho bé ăn cả rau xanh và trái cây tươi. Khi sức đề kháng có dấu hiệu giảm sút, có thể bổ sung các chế phẩm vitamin C để bé tăng sức đề kháng khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm…
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, với bé, do nhu cầu vitamin C chưa cao nên chỉ cần dùng thuốc trong thời gian ngắn, và sau khi uống 5-7 ngày sẽ có tác dụng.
Giai đoạn “trẻ em” là thời gian bé tập nhiễm và rèn luyện hệ thống miễn dịch của mình. Bé phải “làm quen” với những loại vi trùng, vi-rút có ở khắp nơi. Đặc biệt, trong mùa lạnh, khi thời tiết chuyển đổi, sức đề kháng của bé càng bị “thử thách” nhiều hơn. Bé rất hay mắc bệnh do sức đề kháng còn non yếu. Do đó, bên cạnh việc cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý thì cần khuyến khích bé vận động, ngủ đủ giấc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cho bé tiêm phòng đầy đủ và dùng thuốc hỗ trợ khi cần.
BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM