6 tháng tuổi, bé yêu bắt đầu bước vào những ngày đầu tập ăn dặm. Vào siêu thị chọn bột ăn dặm cho bé, mẹ hoa cả mắt bởi đủ chủng loại, thương hiệu, mùi vị. Về đến nhà, mẹ lại được bác hàng xóm mách cho cách tự làm bột ăn dặm cho bé. Biết chọn loại nào đây?
Quan trọng là thói quen ăn tốt
Thế nhưng mẹ đừng quá băn khoăn nhé! Trong những buổi đầu khi bé tập ăn, điều quan trọng nhất là tập cho bé có thói quen ăn tốt, cho bé tập làm quen với cách ăn mới (ăn bằng thìa) và tập làm quen với loại thức ăn mới, khác sữa. Vả lại, trong giai đoạn tập ăn, bé ăn được rất ít, chỉ 1-3 muỗng cà phê mỗi ngày. Vì vậy, mẹ không cần quá chú trọng vào việc chế biến bột cho bé, chỉ cần pha bột gạo với loại sữa mà bé đang bú theo tỉ lệ 5% (5g bột trong 100ml nước), hoặc để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo đủ chất, mẹ có thể sử dụng loại bột ngọt làm chín sẵn (bột gạo – sữa dành cho bé từ 6 tháng). Loại bột này thường có vị gần giống sữa nên bé sẽ dễ chấp nhận.
Tuy nhiên, nếu bé có cơ địa dị ứng với sữa bò thì cách tốt nhất là mẹ nên dùng bột gạo pha với sữa mẹ cho bé tập ăn dặm. Các loại bột chế biến sẵn đều có pha với sữa rồi nên sẽ không thích hợp với những bé bị dị ứng.
Khi được 7 tháng tuổi, bé đã quen với loại thức ăn mới, với cách ăn bằng thìa rồi thì mẹ có thể thay đổi khẩu vị cho bé bằng loại bột mặn. Lúc này, mẹ có thể tự nấu bột cho bé với các nguyên liệu tự nhiên. Để bé có được một chén bột hoàn chỉnh trong giai đoạn này, mẹ cần xay gạo thành bột, sau đó pha với nước và nấu chín. Tiếp theo, mẹ cho thêm rau, củ và các loại thịt cá băm nhuyễn cùng 1 thìa (khoảng 5 ml) dầu ăn. Như vậy là bé đã có một chén bột với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm rồi!
Lưu ý khi nấu bột cho bé:
- Nên cho bé ăn riêng từng loại thức ăn để dễ theo dõi những triệu chứng dung nạp của bé. Sau đó, khi biết chắc là bé không bị dị ứng thực phẩm nào thì mẹ kết hợp các thức ăn trong các nhóm thực phẩm để bé được đủ chất hơn. Tuy nhiên, trong 1 chén bột, chỉ nên có 1 loại đạm (hoặc thịt, hoặc cá hoặc tôm,…) và 1 loại rau để bé không ngán, dễ dẫn đến biếng ăn.
- Chỉ nên cho bé ăn thịt heo, cá đồng vì nguy cơ dị ứng ít hơn. Khi bé được 9 tháng thì mới nên cho bé thử các loại hải sản (tôm, cua biển….) và thịt bò.
- Hãy mạnh dạn cho bé ăn thức ăn được băm nhuyễn. Nếu bé cứ ăn thức ăn xay sẽ khiến bé không biết nhai và nuốt. Khi mới tập ăn, mẹ cho bé ăn thức ăn băm thật nhuyễn, sau đó tăng dần độ thô để kích thích bé nhai.
Đến khi bé được 9 tháng, mẹ hãy cho bé tập ăn cháo. Khi nấu cháo cho bé, hãy lưu ý cần phải có đủ 4 nhóm thực phẩm. Bên cạnh đó, thức ăn cũng sẽ được băm to hơn và mẹ hãy tập cho bé ăn cháo từ lỏng đến đặc dần để bé dễ thích nghi.
Giai đoạn này, bé đã có thể ăn 3 bữa cháo mỗi ngày. Nhưng nếu mẹ quá bận rộn không có thời gian nấu cho bé buổi sáng thì có thể vẫn cho bé ăn cữ bột chế biến sẵn, rồi nấu ăn buổi trưa, chiều, như vậy sẽ tốt cho sức khỏe của bé hơn.
BS.CK1 Trần Mỹ Loan
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM